Thêm bạn bớt thù

Thứ tư - 23/06/2021 09:32 323 0
 
         


Cha Cố Giuse (nguyên giám đốc Học Viện) đã hơn một lần nhắn nhủ : "Th ơi ! 10 người thì có 9 người thương con và chắc chắn có 1 người ghét. Thế cho nên con phải cẩn thận".
         
Vâng ! Dĩ nhiên là hết sức cẩn thận nhưng người ta không thích mình là chuyện của người ta. Phận mình cứ sống đúng trước mặt Chúa và lương tâm.
         
Còn nhớ câu nói của ông bà xưa thật là hay : "Thêm bạn bớt thù". Câu nói này nhắc nhớ cách hành xử, cách sống của chúng ta để chúng ta sống như thế nào đó thêm bạn và đồng thời cũng nên bớt hận thù vì hận thì để lại cho ta những điều bất lợi.
         
Và khi giận hờn ai đó,ta nghe câu nói "không mợ chợ cũng đông". Dĩ nhiên đúng trong ngữ cảnh nào đó nhưng rồi cũng không đúng trong những trường hợp đặc biệt. Người ta đủ thứ lý lẽ để biện hộ cho cái tôi của mình mà quên đi cái lợi ích chung, cái chính nghĩa.
         
Những ngày gần đây, nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì ta thấy có những điều lùm xùm này nọ về người nọ người kia về chuyện từ thiện. Đáng tiếc thay 2 tiếng từ thiện đẹp và nhân văn lắm nhưng vì một số người đã làm sai để rồi ta nghe được cái câu : "từ thiện như là một cái nghề".
         
Đau lắm chứ khi ai nào đó biến trước cái tâm thiện thành cái tâm ích kỷ, thành cái tâm tham lam để biến cái của người ta thành của mình và bi đát hơn nữa là biến cái của người nghèo thành của mình. Khi người ta làm như vậy đồng nghĩa rằng người ta sống trên xương máu của người nghèo và người ta đem từ thiện ra thành cái nghề.
         
Chiều hôm nay, râm ran trên các phương tiện truyền thông rằng có ai nào đó thông báo ngưng các chương trình từ thiện cho việc mổ tim. Kèm theo đó, một số người nào đó đã khép lòng lại cho chuyện từ thiện.
         
Giữa dòng chảy của cuộc đời nổi trôi, ta nghe đâu có có nhiều luồng dư luận và có luồng dư luận xem chừng là thiệt thòi cho những người nghèo. Vô tình tôi nghe được có người nói công khai trên mạng xã hội : "Ừa ! Thì bả ngưng bả không cho thì còn có người khác cho ! Bộ bả không cho là người ta chết hả ? Bộ bả không cho là không có ai cho hả ? ..." Kèm theo đó người ta trưng dẫn ra gia đình nào đó cho, gia đình kia cho.
         
Trong bối cảnh như vậy, điều ta thấy thiệt thòi nhất là những người nghèo, những đứa trẻ mang tật nguyền tim bẩm sinh.
         
Kèm theo đó, có người bảo rằng moi móc chuyện sai trái từ thiện làm gì. Nếu cứ moi móc như vậy thì làm thiệt thòi cho người nghèo.
         
Chuyện nào ra chuyện đó. Nếu lý luận kiểu đó xin có lẽ là tôi xin thua. Mang danh nghĩa để đi nhận tiền và trao cho người nghèo nhưng làm sai mục đích. Khi được kiểm chứng công khai thì bảo là nếu như moi móc thì mai mốt còn ai cho tiền để cho những người đó làm từ thiện.
         
Nếu đứng ở lập trường như vậy, chả khác nào là đồng lõa cho chuyện làm từ thiện không đúng với nguyện ước của người trao.
         
Ta thấy chuyện "đóng cửa" của một đại ân nhân lo cho các em nghèo mổ tim cùng với chuyện lòng người dân không còn tin tưởng những người mình trao tay để chia sẻ cho người nghèo phải chăng là một bất lợi lớn cho người nghèo. Cũng chỉ vì làn sóng của dư luận đẩy đưa dồn người nhân nghĩa vào thế đường cùng nên như vậy. Người ta nghĩ rằng thà không dính dự gì còn hơn là vác họa vào thân.
         
Mùa dịch chưa đi qua, mùa nghèo đang dần đến và đã đến trong xã hội. Với những người có của ăn của để thì chả có gì phải lo. Với những người nghèo chạy ăn từng bữa mà dịch đến như thế này thì quả là cay đắng.
         
Từng bữa cơm dẫu rằng bình thường ở cái quê nghèo. Từng giấc ngủ trong căn phòng xem chừng ra ấm cúng dù nhỏ bé ở chốn xa thành thị nhưng tôi luôn đau đáu với người nghèo. Mình ăn cơm còn biết bao nhiêu người đang đói lả. Mình đang có giấc ngủ ngon (dù phải đeo máy thở) nhưng có bao người đang lo ngay ngáy về ngày mai.
         
Không lo làm sao được với những mảnh đời di dân. Công ty, hãng xưởng đóng cửa và công ăn việc làm bị ngưng trệ thì thử hỏi cuộc sống sẽ ra sao ? Người ta có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng tiền phòng trọ, tiền điện tiền nước và bao chi phí sinh hoạt khác vẫn phải chi. Cái nghèo hiện giờ nó đang dần ló dạng và nó ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền trong xã hội.
         
Ở cái mảnh đất Sài Thành, dẫu phồn hoa đô thị đó nhưng biết bao nhiêu mảnh đời lam lũ tìm kế sinh nhai. Anh chạy xe Grab, chị bán mẹt đậu phộng, cụ già bán vé số rồi sẽ ra sao đây khi cơn dịch chưa ngưng phát.
         
Rồi, những đứa trẻ nghèo nó đâu tự hết bệnh. Cũng phải mổ hay cũng cần thuốc để cầm cho những cơn đau đớn.
         
Nếu chỉ vài đồng bạc lẻ cho từ thiện thì không nói. Khi hàng trăm tỷ cho đi mà khép lại phải chăng là thiệt thòi không nhỏ.
         
Đáng tiếc thay giữa những nổi trôi của cuộc đời, điều cần thiết là người ta đi tìm cái tâm thiện thay vì cái tâm ác, cái tâm hiếu chiến, cái tâm muốn cho người khác phải đau khổ.
         
Lại nhớ cái tâm hiếu sinh từ ý tưởng của bài thơ hài cú của tác giả Kikaku người Nhật Bản: 
          Hỡi chuồn chuồn đỏ
          Đôi cánh rứt
          Ồ những trái ớt!
          Nếu suy nghĩ như vậy, ta thấy đó là tâm ác. Nên chăng phải sửa lại như thế này :
          Những trái ớt son
          Đôi cánh chắp
          Tung toé lũ chuồn chuồn”
         
Những ước mong trong những ngày dịch bệnh, mỗi người nên chăng lặng lại một chút để nhìn đời nhìn người và đặc biệt mỗi người hãy mang trong mình con tim hiếu sinh, con tim thiện, con tim cầu mong phúc lợi cho người khác thay vì mong người khác bị đau khổ hay cuộc đời tan nát đau thương.
         
Mỗi chúng ta trong cuộc sống cần sống làm sao đó cho thêm bạn và bớt thù. Cuộc đời này qua đi rất vội và cũng vô thường để rồi ta nên sống nhẹ nhàng hơn với mọi người.
         
Mỗi người trong chúng ta hãy có cái tâm thiện, hãy chắp đôi cánh vào những quả ớt son để thành lũ chuồn chuồn chứ đừng ngồi đó và vất cánh con chuồn chuồn. Sống như thế, tâm thiện như thế chắc chắn lòng chúng ta mãi mãi bình an.

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây