Về nhà

Thứ bảy - 19/11/2022 20:16 607 0
 
 

VỀ NHÀ

Mỗi năm vào tháng 11 là tất cả người công giáo chúng ta, (không phải mỗi năm đến hè lòng man mác buồn đâu nhé!) đặc biệt Hội dòng chúng ta luôn có một truyền thống tốt đẹp là “VỀ NHÀ”, chẳng những trở về thăm ngôi nhà tổ, ngôi nhà Từ đường với biết bao ký ức của  tuổi thơ, mà còn về để tưởng niệm tiền nhân.

Trưa thứ 3 ngày 8 tháng 11, ngày cuối cùng được hưởng ơn đại xá chỉ cho các linh hồn khi viếng nghĩa trang, cộng đoàn Gò thị được mùa đón tiếp chị em trong Hội dòng VỀ NHÀ.

Phái đoàn đầu tiên đến khoảng 15g30, gồm các đấng các bậc, có lẽ vì cao tuổi nên thay vì viếng nghĩa trang thì “đi lộn đường” vào cộng đoàn trước, tìm hiểu thì mới biết lý do là mấy cái lồng bàn “xanh xanh đỏ đỏ, trẻ nhỏ nó thấy nó ưa” đẫn đường, làm cho người lớn cũng ưa nên đi quá trớn  luôn.

Sau khi đọc kinh tại nghĩa trang, trở lại xem thử lồng bàn của cộng đoàn “buôn gánh bán bưng” ở chốn “nhà quơ” ra sao. Đặc sản đậu hủ bất diệt không đến nỗi ế lắm. Có một bạn hơi hơi trẻ nói nhỏ trong tai mình:
  • Chị ơi em tái ba chén luôn đó.
Mình an ủi:
  • Có sao đâu, ba chén thì ít hơn ba chén rưỡi mà!

Đang chén thù chén tạc thì có tiếng la hoảng hốt: “Giặc tới, giặc tới bà con ơi!”. Phải công nhận giặc rất sang, đi xe 16 chổ Mẹc-xơ-đì sơn son thếp vàng muôn màu. Lại đi lạc nữa rồi, mặc dù trên bàn không hề còn cái lồng bàn nào cả. Giặc là con nhà có “lư hương bát nước” nên vừa chào hỏi rất rập ràng lễ phép mà cũng vừa liếc mắt từ bàn này đến bàn kia không biết tìm ai hay tìm thứ gì.

Đang kiểm tra dân số thì bản tin buổi chiều của đài tiếng nói Bình định loan thêm tin khẩn cấp: “Còn một xe nữa Dì ơi”. Trời đất thiên địa ui! Đội chủ nhà lo lắng vì biết chắc chắn sức công phá của hai xe này sẽ dữ dội hơn cơn bão số 8 sắp tới. Không biết lương thực của “Gò thị Xí ti” này có  đáp ứng được quân số không? Ban ẩm thực của cộng đoàn cũng là “U 40 và 30” nên “biết người biết ta” rất hân hoan thông báo “ ờ gen (again) thoải mái Dì ơi”. Mình hỏi thử:
  • Tụi con no không?
  • Dạ no Dì ơi!
  • Ha ha, nếu mà tụi con trả lời chưa no chắc Dì sẽ hát: “ Lần này ta hỏi Nhỏ, Nhỏ bảo Nhỏ CHƯA NO, ừ thì Nhỏ chưa no, đi về NO nhé Nhỏ, Nhỏ ơi!”.
  • Nhưng mà tụi con ăn no về nhà làm sao ăn cơm tối?
  • Dì yên tâm, bao tử tụi con thứ tự lớp lang và tôn trọng nhau lắm Dì à, ngăn nào ra ngăn đó, cơm ra cơm, chè ra chè, mía ra mía.
À ra thế, câu này nghe quen quen, cách đây mấy chục năm mình cũng trả lời như thế thôi.

Sau khi thu dọn chiến trường thật sạch sẽ, không còn một dấu vết nào trước khi ra về. Ngoài việc kiểm tra quân số và tài sản, nhận thấy có một sự lỗi đức Khó nghèo không hề nhỏ vì cốp xe bỏ trống (có Tổng Phụ trách mà, lời khấn và nhân đức phải giữ nhặt nhiệm bất cứ lúc nào) nên phải thi hành điều ông bà ta đã dạy: “Được ăn được nói được gói đem về”. Vậy là nhân đức khó nghèo được áp dụng rất vẹn toàn vì ba cốp xe đầy đặn “mía nóng dòn” để giữ cho xe đi không bị xốc, rất êm ái.

Có một sự giống nhau không hề nhỏ ở đây là cả ba phái đoàn đều đi lạc. Thôi thì một năm có một lần để đi lạc “VỀ NHÀ”, một sự đi lạc có phương hướng,  có chính nghĩa, bởi vì chỉ có một con đường duy nhất để trở về, đó là VỀ NHÀ.

Tuy là “buôn gánh bán bưng” trong buổi tiếp đón hôm nay, nhưng chị em trong cộng đoàn đều rất vui và pha thêm một chút tự hào dân tộc nói với nhau “Đất lành chim đậu”, chứ đất  không lành chim lên hết bàn nhậu mất tiêu rồi!

Ngày thứ năm 10/11 là ngày Hồng phúc của cộng đoàn được đón tiếp quý Bà nhà hưu “VỀ NHÀ”. Lần nầy khâu sửa soạn chu đáo và bài bản hơn vì đây là những cây đa cây đề của Hội dòng, những đấng bậc mà chúng ta gọi là: “có Người thì mới có ta”.

Bữa cơm trưa thật ra nhắm mắt cũng thuộc lòng thực đơn dành riêng cho bậc lão thành ở chốn “Gò thị xí tì”này. Dù cho đây chỉ là những món ăn rất bình dân và quen thuộc, quen thuộc nơi này chốn xưa, quen thuộc ngày này năm xưa, làm cho tâm hồn quý Bà “Bỗng dưng trẻ lại”, để thưởng thức các món ăn bình thường này một cách vui vẻ và khí thế, rồi cũng tay xách nách mang (nhưng vệ sĩ mang chứ không phải tự mang đâu nhé!) Phải phục vụ phái đoàn này từ A đến Z , sau “rết tô rân” thì đến “hồ teo” 5 sao luôn!

Nhìn quý Bà tuy lúc nào cũng có vệ sĩ nhưng luôn tươi cười, mỗi nơi tại cộng đoàn này là một ký ức êm đềm của quý Bà ôn lại cho vệ sĩ và các chị  em trẻ. Thỉnh  thoảng lại chêm vào đôi câu hài hước tiếu lâm làm cho bầu khí cả nhà rộn rã hẵn lên. Mình thấy năm tháng không đủ thế lực làm cho quý Bà mình già được như Giáo sư Trần văn Khê đã nói:
20-30 tuổi: Còn quá trẻ
        30-40 tuổi : Đang trẻ
        40-50 tuổi: Hãy còn trẻ
        50-60 tuổi: Trẻ không ngờ
        60-70 tuổi: Trẻ lạ lùng
        70-80 tuổi: Trẻ vĩnh viễn
        Có cái gì là già đâu?
(Trích Già ơi chào bạn: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trang 12-13)

Đến rồi đi, gặp nhau rồi cũng đến lúc từ biệt. Ôi cái giây phút “guốc bay” sao mà nó đậm đà da diết thế! Có vị lúc đến không chịu xuống xe vì “đây không phải phòng của em”, bây giờ thì lại không chịu lên xe đi về vì “phòng của em ở đây mà”. Xe sắp lăn bánh, chủ  tịch kiểm soát quân số lần chót mới khám phá ra còn một vài vị không biết đi về phương trời nào mà vệ sĩ chạy đôn đáo khắp nơi mới tìm ra.

Như lần từ biệt trước với những vẫy tay “ Bye bye, xi giu sang năm” của hai đám giặc dễ thương, bây giờ là những cái nắm  tay của quý Bà với những lời từ biệt thân tình pha thêm một thoáng buồn: “Biết đâu đây là lần cuối chị về thăm nhà tổ để ôn lại kỷ niệm năm xưa”.

Lại đứng tần ngần trước cổng, nhìn theo những chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi cộng đoàn, một ý nghĩ thoáng đến trong đầu mình: “cách đây mấy chục năm mình cũng nói tình trạng bao tử của mình như đám giặc đó, và vài năm nữa thì mình cũng phải có một vệ sĩ để VỀ NHÀ và cũng sẽ quên quên nhớ có khi lại cũng thở dài để nói “lời cuối” trước khi từ giã như quý Bà hôm nay.

Đời là một chu trình của thời gian, tất cả chúng ta đều trải qua chu trình bình thường đó thôi, nhưng sao hai buổi chiều này đã để lại cho mình một kỷ vật “phi vật thể” cũng thật bình thường nhưng không tầm thường tí nào cả. Những câu nói chân thành trẻ trung của các em, những tâm tình ân cần của quý Bà khi VỀ NHÀ hình như làm cho mắt mình cay cay và môi mình mằn mặn, thấm thía với  hai câu thánh vịnh:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv. 132)

                                                                     


 

Tác giả bài viết: CĐ.Kim Thông

 Tags: Sinh hoạt

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây