Nỗi niềm mùa lạc

Thứ năm - 08/07/2021 04:41 407 0



Quê tôi đang trong vụ mùa thu hoạch lạc. Tin nhắn ấy tôi nhận được từ người  bạn cùng chung lý tưởng dâng hiến. Bạn tôi kể, chị ấy được về nghỉ hè và đang cùng gia đình ra đồng thu hoạch lạc dưới cái nắng gắt của mùa covid với biết bao khó khăn.

Đọc xong tin nhắn, thêm một chút băn khoăn, một  nỗi nhớ vô hình, một chút kỷ niệm của những ngày mùa quê hương bỗng hiện về trong tôi.

Tôi nhớ những ngày hè giữa cuối tháng 6 đầu tháng 7, dưới tiết trời oi bức khắc nghiệt của cái nắng như đổ lửa tầm 39, 40 độ C ở dải đất miền Trung. Tôi nhớ cảnh người dân quê mình đang vất vả trong vụ mùa thu hoạch. Nào là lúa, ngô, đậu, đặc biệt là thu hoạch mùa lạc...  Suốt gần 4 tháng gieo trồng, chăm sóc rồi cũng đến ngày thu hoạch. Đó là niềm mong chờ của những người nông dân suốt cuộc đời một nắng hai sương, phải bám mặt vào đất mới tồn tại được. Bởi tất cả mọi chi tiêu của cuộc sống thường ngày, các khoản tiền học phí của con cái đều phụ thuộc vào nông sản… Tôi nhớ bóng dáng, nhớ những khuôn mặt sạm nắng nhưng trên môi luôn nở nụ cười giữa khí trời oi bức. Bởi trong cái vất vả, cái khó nhọc ấy đang lóe lên tia hy vọng sau một vụ mùa. Tôi nhớ phảng phất hương vị đồng quê, mùi lạc hòa lẫn vị mặn của từng giọt mỗ hôi đã làm bạc màu chiếc áo lao động,  và tôi nghĩ về cuộc sống của họ…

Tôi nhớ những người thân yêu của mình. Nhớ những hy sinh khó nhọc của biết bao người Chúa gởi đến trong cuộc đời để tôi được như lúc này. Và tôi nhớ câu nói của Mẹ tôi năm xưa, khi còn là cô bé 17. Mẹ từng nói với tôi: "Thôi, đi tu đi, ở nhà vất vả lắm con ạ !" Dường như câu ấy không chỉ riêng mình mẹ, nhưng đã không ít lần tôi nghe từ những người thân, nơi môi trường phục vụ. Nghe chị em trong cộng đoàn chia sẻ , bởi các chị cũng đã từng được đón nhận những ý tưởng đó. Tuy từng câu chữ có khác chút nhưng vẫn không ngoài nội dung như vậy.

 Hôm nay, khi nhớ về họ, câu nói ấy lại hiện về trong tôi . Bất giác, suy nghĩ miên man về cuộc sống, tôi tự hỏi: Có phải đi tu là sướng, ở đời là khổ ?

Và chợt nghĩ về câu nói và cũng là triết lý nhân sinh mà Nguyễn Khải đã đưa vào trong tác phẩm "Mùa lạc": "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy..."
         
Thật vậy, cuộc sống luôn có những ranh giới. Đó là ranh của cái giàu và cái nghèo, giữa cái thiện và cái ác, đau khổ với hạnh phúc, sự sống và cái chết. Và phải chăng, giữa cơn đại dịch này cũng đang là một ranh giới để con người thấy được chỗ đứng của mình. Vì chẳng có gì trường tồn mãi với thời gian, không có cuộc sống, số phận nào là luôn luôn hạnh phúc. Cái chết phải luôn song hành cùng sự sống, có hy sinh gian khổ mới có hạnh phúc. Cuộc sống vốn rất phức điệu và đa chiểu. Bởi thế ông cha ta mới nói: “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” là vậy.

Cám ơn bạn đã cho mình biết thêm thông tin từ quê nhà. Mùa lạc đã đưa tôi trở về  ký ức của tuổi thơ với sự bình yên và bao ước nguyện cao đẹp trong chính cái nắng hòa lẫn hương bụi đồng quê. Cũng chính từ mảnh đất đầy khắc nghiệt của thiên nhiên  tôi đã  nhận ra thế nào là lao động chân chính. Và quan trọng hơn là để tôi một lần nữa sống giá trị của lòng biết ơn. Tạ ơn Chúa, biết ơn người để tôi được như hôm nay.

Khi nghĩ về mùa lạc quê nhà , trong tôi xuất hiện đồng thời cảnh sống của toàn xã hội hôm nay. Từ nông thôn đến đô thị phồn vinh, từ miền xuôi lên miền ngược, từ lao động chân tay lẫn lao động trí óc…trong những tháng ngày này, ở đâu đâu cuộc sống bỗng trở nên tĩnh lặng hơn, nhịp điệu ấy trở nên chậm lại. Cái đói, cái khó vẫn đang hiện ra trước mắt và cả chính trong những suy nghĩ. Quả đúng là “ mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi vùng có những mong manh riêng. Bởi lúc này, cả thế giới và nước Việt thân yêu đang đối diện với cơn đại dịch vẫn không ngừng bùng đi tái lại, và…không biết kéo dài đến bao giờ. Sau khi khống chế được đợt này liệu còn những đợt khác nữa hay không…?  Bao nhiêu vấn vương là bấy nhiêu suy nghĩ. Và điều đó lại càng thấy ranh giới ở đời này quả là không thiếu và mong manh đến mức nào. Nhưng chính trong mong manh ấy là chỗ đứng và sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Tôi vẫn luôn tin rằng: "Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới". Sự sống, hạnh phúc chưa và sẽ không bao giờ đi đến chỗ tận diệt cả, có chăng đó chỉ là những thử thách, ranh giới đòi hỏi con người phải vượt qua, phải chiến thắng nó. Đó mới là vai trò, sứ mệnh của con người. Và, “điều cốt yếu” là phải có ơn Chúa và sức mạnh trong niềm tin ta mới hy vọng để bước qua những ranh giới ấy.


 

Tác giả bài viết: Nt. Têrêxa Thanh Hữu

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây