Lời con muốn nói!
Kathy Băng Tâm
2021-06-24T07:56:24-04:00
2021-06-24T07:56:24-04:00
https://hoidongmtgquinhon.org/doi-tu/loi-con-muon-noi-156.html
https://toplist.vn/images/800px/me-doi-con-len-dau-ganh-con-tren-vai-549987.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
“Sinh con ai nỡ sinh lòng
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con”
Đã là người sinh ra trên đời này ai lại không có Mẹ. Mẹ của anh, Mẹ của Chị, Mẹ của Bạn và Mẹ của tôi.
Một lần tôi gặp một thai nhi bị vứt bỏ ngay trong đám rẫy cách xa vùng đông dân cư. Em đã bị người mẹ vô tình hay cố ý tước bỏ mất quyền làm người, lúc nhìn thấy em được quấn trong một tấm nilon bỏ dưới gốc cây, lúc đó tôi tự hỏi mình rằng tại sao lại có những người Mẹ vô tâm đến thế?. Tại sao lại có thể sinh con ra và rồi đem bỏ đi một cách dễ dàng và lạnh lùng như vậy?
“Bát cơm và nắng chan sương
Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau.”
Và rồi nhìn nhận lại mình, tôi nhớ lúc còn nhỏ có những lúc tôi ghét Mẹ lắm, tôi còn hận mẹ nữa. Nhiều khi tôi còn đặt ra câu hỏi liệu tôi có phải là con do Mẹ sinh ra hay không? Hay tôi cũng chỉ là một đứa trẻ được lượm về nuôi như những cảnh trong phim mà người ta vẫn hay chiếu trên truyền hình, hay tôi là con ở, con nuôi, con bị cha mẹ mình gạt nợ….(Mà bấy giờ nếu biết chắc Mẹ phải buồn cho cho những suy nghĩ ngây ngô đó của tôi lắm!).Tại sao “Mẹ” cứ luôn luôn bắt lỗi tôi, cứ quanh quẩn bên tôi như những “ vệ sĩ” đang thi hành nhiệm vụ. Nếu là Mẹ của tôi tại sao không cho tôi được tự do đi chơi cùng bạn bè, tại sao cứ luôn bên cạnh tôi bắt tôi học điều này điều nọ như thể tôi là một bộ máy rô bốt phải thu nạp tất cả những điều mà Mẹ cho là đúng. Nếu là Mẹ, tại sao không cho tôi được làm những việc theo ý thích của tôi, tôi không muốn học những điều mà Mẹ bắt tôi phải cố gắng học, nào là “Công dung ngôn hanh”; nào là “Danh giá con người” mà tôi chẳng thích tý nào cả. Tại sao? Tại sao…? Và rồi mãi mãi trong tôi cứ có những câu hỏi “Tại sao” như vậy.
Cho đến ngày tôi khôn lớn, hình ảnh của Mẹ và những lời chỉ dạy đã luôn bên cạnh và giúp tôi trong cách đối nhân xử thế với mọi người chung quanh, khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Khi bước vào đời, phải đối diện với những thách đố khó khăn trong xã hội, trong các mối tương quan của con người với nhau, con người ta thường như được thức tỉnh bởi những gì là tốt đẹp của ký ức riêng mình. Và rồi những câu ca dao, những câu tục ngữ à ơi quen thuộc trong lời ru của Mẹ ngày xưa nay thức tỉnh trong tôi cách rõ ràng về hình ảnh đẹp của Mẹ Cha:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ Cha kính Mẹ mới là chân tu”
Rằng : “Công Cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”
Rằng: “Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi Cha Mẹ trăm đường con hư”
Rằng: “ Con khôn đẹp mặt Mẹ Cha
Ví bằng con dại, nhuốc nhơ trăm đường”…
Giờ đây cứ mỗi lần trở về nhà, nhìn thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt Mẹ như càng nhiều thêm. Phải, vì mẹ đã mòn mỏi cả một đời lo cho đoàn con khôn lớn, Mẹ đã phải lắng nghe những tiếng than trách của những người không phải lòng vừa ý khi nhìn thấy nhà nghèo mà Mẹ lại cho chúng tôi được có đủ mọi thứ bằng bè bằng bạn, được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ phải chạy vạy cho những bận cơm thiếu gạo vì con đông, Mẹ phải vất vả chắt chiu giành giụm để khi chị em tôi có đau ốm có tiền mà thuốc men. Mẹ lo cho chị em tôi từng cuốn vở, từng cây bút để chị em tôi được đến trường.
“Con gái học gì cho nhiều”, những lời mà người ta như cứ than trách móc xéo mỗi khi gia đình tôi gặp khó khăn… vậy mà, Mẹ vẫn cứ mãi cố gắng lo chu toàn mọi nỗi trong nhà ngoài ngõ để chị em tôi được tiếp tục đi học.
Giờ đây, Chị em tôi dường như ai cũng ít nhiều hiểu được nỗi lòng của Mẹ. “Mẹ đâu?” vẫn luôn là câu hỏi đầu tiên mà mỗi lần chị em tôi đi đâu về bước vào nhà mà không thấy Mẹ. Mẹ đã là một người và là một danh từ trên môi miệng và trong cõi lòng không thể thiếu được của Chị em tôi.
Mỗi lần tết đến, Chị em tôi quây quần bên Ba Mẹ để chúc tết, dù không thể nói ra nhưng trong tôi rất vui, nhưng cũng lại rất sợ và buồn. Buồn vì trên đầu Ba Mẹ đã nhuộm những sợi tóc bạc trắng, da mặt đã đầy những nếp nhăn, răng đã lung lay không còn ăn được những món ăn ưa thích, những thứ đặc sản mà chị em tôi mang về từ những miền của Đất nước nơi mỗi chị em tôi đến làm việc và sinh sống. Sợ vì nếu một ngày nào đó nếu không còn Mẹ, liệu chị em tôi có còn được quây quần bên nhau, bên Ba Mẹ để kể những câu chuyện của người ta bên ngoài, những vấn đề mà Chị em tôi gặp phải trong cuộc sống để được nghe những lời yêu thương chỉ bảo. Sẽ chẳng còn được ăn những món ăn ngon của Mẹ nấu rồi cả những lo lắng của Mẹ dành cho chúng tôi mỗi khi đi xa về , và nhất là mỗi lần tết đến chị em tôi sẽ ra sao nếu không còn Mẹ?. Có lẽ những lo lắng của tôi là “hơi xa”, nhưng quả thật là điều tôi rất lo và rất sợ mỗi lần nhớ về Mẹ, mỗi lần nghĩ về Gia đình nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên với một tình yêu vô bờ bến.
“Mẹ, Mẹ có biết con yêu Mẹ nhiều, dù câm nín nhưng con thật lòng muốn nói…. Mẹ đừng mãi mãi ra đi cho con mồ côi, ơi Mẹ yêu…” là lời trong bài hát: Mẹ yêu (sáng tác: Phương Uyên) cũng là lời mà tôi gởi đến cho người Mẹ thân yêu của tôi. Người Mẹ mà suốt đời tôi mang ơn và ghi nhớ.
Người con xa nhà!
Tác giả bài viết: Kathy Băng Tâm