Bàn tay và bút -mực

Thứ ba - 13/07/2021 05:18 225 0
 
 

 
 Bàn tay và bút -mực

Sáng nay chúng tôi được Cô chủ mang về từ một Nhà Sách lớn trong Thành Phố. Tôi vui mừng và hãnh diện bởi trong muôn vàn cây “Bút” trưng bày thì tôi được Cô chủ chọn, đem về và đặt để trong một chiếc hộp xinh xắn, dường như chiếc hộp này đã dành sẵn cho tôi. Nhìn sang bên cạnh, hỡi ôi! Tôi không tin nổi vào những gì mình đang thấy, hắn vừa lùn, vừa mập lại xấu xí, cái cổ thì “ngắn ngủn” trông như một người lùn, không những thế hắn còn nhõng nhẽo, mít ướt nữa chứ. Đó! vừa rồi Cô chủ lỡ đụng tay vào là hắn đã nằm vạ ra làm ướt cả cuốn sách, một màu xanh xám xịt, loang ra khắp bàn, Cô chủ phải vội vàng lau chùi, hắn tên là Mực...còn tôi, cao ráo thon thả và sạch sẽ...

Đêm xuống, Cô chủ đến, đem tôi ra khỏi hộp rồi ngắm nhìn, đôi bàn tay Cô chủ vuốt nhẹ tạo cho tôi cảm giác thật êm dịu, đôi mắt tôi lim dim. Đang tận hưởng sự ngọt ngào ấy thì bỗng...Cô chủ nhìn sang bên cạnh và nâng Mực lên. Tôi nhìn hắn...

Tôi bỡ ngỡ...Mực ở trong tôi và dưới bàn tay Cô chủ, chúng tôi kết hợp tạo nên những nét chữ... tôi vỡ òa.

Cùng Bàn Tay,  Bút – Mực song hành.
........
 
Bút xinh đẹp nhưng không có Mực thì Bút không có giá trị, tuy Mực xấu xí nhưng đóng vai trò quan trọng đối với Bút. Bút có Mực nhưng không có Bàn Tay con người sử dụng thì nó cũng trở nên vô dụng. Đời sống chúng ta cũng vậy, con người bổ túc cho nhau, không ai hoàn mỹ. “Sự hiện hữu của mỗi cá nhân đều gắn liền với sự hiện hữu của những người khác. Cuộc sống không phải là thời gian để lướt qua nhau, nhưng là thời gian để tương tác hỗ trợ nhau” ( Đức Giáo Hoàng Phanxicô).
 
Sống là sống với, sống chung và sống cùng, không ai là một hòn đảo và không ai hạnh phúc hay nên thánh một mình mà không cần đến người bên cạnh. Bàn tay năm ngón, mỗi ngón đều có lợi ích riêng không vì ngón cao ngón thấp mà đem lòng ganh tị, kiêu ngạo hay tự ti. Dù trong cuộc sống có giàu hay nghèo, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, đạo đức hay tha hóa thì tất cả là con người với nhau được Chúa tạo dựng, cùng gọi Chúa là Cha (Kinh Lạy Cha), sống dưới một bầu trời, hít lấy chung bầu không khí, cùng tuyên xưng đức tin và chịu một phép rửa ( Kinh Tin Kính). Thế nhưng, con người trong xã hội hôm nay lại giao tranh xâu xé, hơn thua nhau chỉ vì cơm áo, gạo tiền, vì tiền tài danh vọng, vì lợi ích bản thân...dần dà con người đánh mất đi cái “tôi” vốn có mà Chúa đã đặt để trong tâm hồn cho con người ngay khi Chúa tạo dựng nên. Trở về với chính mình, sống hòa hợp với tha nhân để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hòa bình hơn là điều mà con người cần phải thực hiện nhất là trong đại dịch Covid-19 như hiện nay. Để làm được điều đó con người cần đến với Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành, là suối nguồn tình thương, ở đó con người sẽ kính múc được tất cả nguồn trợ lực mà họ “cần” và “đủ”cho cuộc sống hôm nay.

“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,7-8). Dẫu biết rằng để xây đắp tình yêu thương giữa con người với nhau là điều không đơn giản, anh em ruột thịt trong nhà chưa dễ thương nhau, huống chi là yêu thương người ngoài. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn khi chúng ta xác tín rằng: vì lòng yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương, tạo dựng và hiến mình chịu chết thay cho chúng ta thì chúng ta sẽ dễ dàng đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng cách, vì Chúa mà yêu mến tha nhân“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ điều răn Thầy truyền là hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 14,15). Vì tình yêu mến Chúa chúng ta hãy giữ điều Chúa truyền dạy là yêu mến tha nhân, chỉ những ai yêu thương tha nhân mới thực sự là kẻ yêu mến Chúa. Đời sống của chúng ta sẽ nở hoa và cho trái ngọt khi chúng ta biết kết hiệp với Chúa và sống hòa hợp với tha nhân. Như thân nho gắn liền với cành thế nào thì đời sống của chúng ta cũng gắn kết với Chúa Kitô như vậy, để từ đó chúng ta cũng gắn kết với nhau trong đời sống Cộng đoàn. “ Ngọt ngào tốt đẹp biết bao, anh em được sống vui vầy bên nhau” (TV 133, 1). Còn điều nào hạnh phúc cho bằng chị em sống hòa thuận, yêu thương nhau, đó cũng là một dấu hiệu, là đặc điểm tiêu biểu để “ Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. ( Ga 13,35)

Thế nhưng, cuộc sống đâu lúc nào cũng là dòng sông êm ả nhưng có lúc dậy sóng dữ dội. Không phải ngày nào cũng đều là những ngày mây xanh nắng nhẹ, những ngày đẹp trời …bởi chén trong chạn còn khua vào nhau huống chi là sống với những con người khác nhau về tính tình, tuổi tác, suy nghĩ và khả năng...thì làm sao tránh khỏi những hiểu lầm, trách móc, than phiền, cãi vã, lên án nhau cách “ tri thức”.

Sống đời dâng hiến với ba lời khấn: Vâng lời – khó nghèo – khiết tịnh. Chị em chúng ta tuyên xưng một cách công khai, và cùng với ba lời khấn chúng ta sống đời Cộng đoàn. Đời sống Cộng đoàn là lời khấn thứ tư mà chúng ta cần phải học hỏi và tập sống mỗi ngày. Công đồng Vatican II coi đời sống Cộng đoàn là bản chất cần thiết của đời sống tu trì (PC 15). Sống trong Cộng đoàn thực sự không thể không có sự hiệp thông, nếu không hiệp thông không phải là Cộng đoàn. “Cần phải cổ võ đời sống Cộng đoàn bằng mọi phương tiện có thể, trong những cách thức phù hợp với ơn gọi của mỗi hội dòng. Điều quan trọng đặc biệt là các phần tử phải xây dựng một đời sống chung huynh đệ như là một gia đình hiệp nhất trong Chúa Kitô” 1 . Cộng đoàn là nơi Chúa ngỏ lời với mỗi người qua từng chị em. Mỗi người, mỗi Cộng đoàn đều có những lo lắng, ưu tư và những khó khăn riêng, đặc biệt trong đại dịch Covid – 19 đang lan tràn khắp nơi, không chỉ ngoài xã hội mà trong các Dòng tu, các Cộng đoàn và mỗi người chúng ta cũng chịu ảnh hưởng. Nó làm thay đổi không nhiều thì ít cuộc sống của mỗi người. Suốt cả ngày chị em dạy trẻ, người lo việc này, người lo việc kia...ít có thời gian dành cho Chúa và cho nhau. Đôi khi cả ngày chị em chỉ gặp nhau qua bữa cơm chiều, vào Nhà nguyện, chúng ta mang theo mớ hỗn mang và tính toán cho công việc sắp tới, những dự định, những bộn bề và lo toan cho cuộc sống, chúng ta dường như không có hay không trọn vẹn với giờ giấc thiêng liêng, thời gian dành cho Chúa đã bị chia sẻ và hạn hẹp...

“Đây là lúc thuận tiện! Đây là ngày cứu độ!” (2 Cr 6, 2).

Thời gian “cách ly” nhờ đó mà trở nên quý hóa trong đời sống thiêng liêng. Không phải ra ngoài, không phải bận tâm nhiều đến trường lớp, đến bài vở giáo án hay những công việc...lúc này, có nhiều thời gian cùng nhau làm những công việc chung, chị em chuyện trò, nhất là có cơ hội để tìm đến bên Chúa trong thinh lặng và cô tịch qua các giờ suy gẫm, viếng Chúa và trong bầu không khí linh thiêng của những giờ Chầu Thánh Thể. Hơn bao giờ hết, chúng ta đừng để những lo toan sợ hãi cũng như mất niềm hy vọng tấn công vào đời sống đức tin của mình. Đây là cơ hội để chúng ta cảm nghiệm điều mà các Thánh Dòng Cát Minh, cách riêng Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đã xác tín hàng trăm năm qua: Thiên Chúa không ở đâu xa, Ngài đang ở đây, ở ngay trong lòng chúng ta. Chúng ta không cần phải tìm kiếm Ngài đâu đó ngoài kia, mà hãy quay về với chính mình để gặp Ngài 2 .

Đây là lúc thuận tiện để chúng ta xây đắp, bồi dưỡng tình yêu với Chúa và với chị em như là hành trang cho ta bước tiếp trên đường dâng hiến, dẫu mưa hay nắng, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà thì chúng ta vẫn cứ yên tâm, vì nhà của chúng ta được xây trên đá, nó sẽ không bao giờ bị sập đổ (Mt 7,21-29).

Có chi lạ, chuyện Bút - Mực song hành,
Gõ thời gian, dòng đời với bôn chen.
Dòng sông kia, đâu khi nào êm ả,
Sóng gập ghềnh, Bút với Mực lênh đênh!

Bút không Mực, làm sao thành nét chữ?
Mực không Bút, chẳng thể nào nên vẹn.
Đêm lại ngày, trăn trở với thời gian,
Mực ngẹn ngào, nhìn Bút đứng chênh vênh.

Bao thổn thức, làm sao câu nên trọn?
Mực trong lọ, lặng im buồn không nói,
Bút  dỗ dành, Mực bỗng hóa xanh tươi,
Bàn Tay nào gắn kết Bút với Mực ?

Đời dâng hiến, Bút – Mực viết thành thơ.
Vần xen điệu, ngọt lịm những câu, từ,
Bởi Bàn Tay, tạo hóa gắn nhịp tim,
Từng nhịp đập, hoà niềm tin sáng tỏ.

Dẫu bão tố trào dâng cùng sóng gió,
Trọn tri ân, một đời vẫn trung kiên.
Đời Bút – Mực, mãi kiên vững niềm tin
Bao yêu thương, xin trao dâng về Chúa.

Dòng thời gian, sáng ngời không hoen úa,
Lòng gẫm suy, hạnh phúc chính là đây.
Đời an vui, khi Bút - Mực đong đầy,
Đời hạnh phúc, tình Bút - Mực trong Tay.


1( Xem Ecclesiae Santae 25; Renovationis Causam 28; Evangelica Testificatio 39-41; Vita Consecrata 42; Ecclesia in Asia 23).
2.( Xem tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm của Thánh Têrêsa Avila & Chương 1 của Khúc Linh Ca của Gioan Thánh Giá).

 

Tác giả bài viết: Nt. Isave Nhã Trúc

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây