Tận hiến trong khiêm nhường

Thứ bảy - 26/06/2021 22:54 987 0
 
 


Chặng đường dài ngàn dặm luôn bắt đầu bằng một bước đi.
 
Vâng! đời tu chúng ta là một cuộc hành trình dài mà Thiên Chúa đã chuẩn bị, mời gọi chọn lựa và bước theo với Đức Kitô bằng việc Thánh hiến. Thiên Chúa thánh hiến ta qua lời mời gọi “Hãy theo Thầy”, sau đó được tách riêng ra để Thiên Chúa hướng dẫn và sống một cuộc sống dành riêng cho Chúa. Theo Thánh Phaolô, khi Thiên Chúa gọi là Ngài đã chọn (Rm 9, 11). Sự lựa chọn này tuyệt đối siêu việt và “Không phẩm chất nhân loại nào, dù xuất chúng, cũng không tạo nên quyền lực để được ơn gọi.”[1] Do đó, ơn gọi thánh hiến không phải là chuyện thuộc sự quảng đại của cá nhân, mà trước tiên được khởi đi từ sáng kiến của Đấng Siêu Việt.[2] Một sự lựa chọn vô điều kiện của Thiên Chúa và không thể lý giải bằng suy luận của con người.

Trong trình thuật về ơn gọi của các tông đồ, các Thánh sử Tin Mừng cũng cho thấy Đức Giêsu chọn các tông đồ chỉ vì lý do duy nhất là: “Ngài muốn” (Mc 3, 13), nghĩa là trong lời mời gọi đó tiềm ẩn một tương quan tình yêu mà Thiên Chúa - qua Đức Giêsu - dành cho họ, khiến họ sẵn sàng “từ bỏ mọi sự” để theo Ngài (Mt 4, 18-22; Mc 1, 16-20; Lc 5, 1-11). Chính khi từ bỏ mọi sự, họ được trở nên một con người mới, được “tạo một nhân cách mới.” Theo Đức Giêsu, họ được biến đổi và một vận mệnh rộng lớn hơn mở ra trước mắt họ, đòi hỏi họ cống hiến tất cả sức lực để phục vụ cho Vương quốc của Ngài. [3]

Theo dòng thời gian cùng với việc thánh hiến, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.

Thánh hiến là việc tách riêng ra dành cho Chúa để sống một cách khác hơn. Bằng con đường thánh hiến, chúng ta tiếp tục bước đi và chấp nhận đương đầu với những khó khăn xảy đến trong cuộc đời mình thay vì chạy trốn. Người sống đời thánh hiến cần thay đổi cách nhìn, lối suy nghĩ và hành động của mình để thực thi sứ mạng trong tinh thần đức tin. Ý thức được điều này mỗi người tu sĩ cần tận tâm, tận lực và tận tình hết mình cho cuộc đời tận hiến để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Chính Đức Kitô là mẫu gương tuyệt vời nhất sống đời tận hiến bằng hy tế trên thập giá. Muốn được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta cần phải từ bỏ mỗi ngày, sống như Chúa đã sống và yêu như Chúa đã yêu.

Nhìn lại cuộc sống mỗi người chúng ta xét cho cùng thì chúng ta chưa thật sự tận tâm, tận lực và tận tình cho Chúa. Chúng ta còn nương chiều cho bản thân, danh vọng, quyền lực và hưởng thụ …Vì lợi ích riêng tư đôi lúc ta sẵn sàng bán rẻ anh chị em mình để đạt được mục đích. Người tu sĩ tận hiến cho Chúa là chọn lối sống khác biệt chứ không dị biệt. Khác biệt với thế gian, khác biệt với tinh thần thế tục để sống cho một lý tưởng cao hơn là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Chính Thầy Chí Thánh của chúng ta đã đi con đường khác biệt đó để cứu nhân loại bằng cái chết trên thập giá.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với khoảng 400 thành viên Dòng Phanxicô ngày 23/11/2017  đã nhắn nhủ các tu sĩ: “Việc sống khiêm tốn là một khía cạnh quan trọng trong tương quan giữa ta với Thiên Chúa, giữa ta với anh em trong Dòng, cũng như tất cả mọi người, bởi vì như Thánh Phanxicô nói: “Con người không có gì khác ngoài tội lỗi, và giá trị của ông là giá trị của mình trước mặt Thiên Chúa và không có gì khác”. Nhưng làm sao để chúng ta giữ được lòng khiêm tốn trong tất cả các mối tương quan với người khác? Đức Thánh Cha hỏi. Đó là chúng ta hãy tránh những hành vi kẻ cả, bề trên như vội vã xét đoán người khác, nói xấu người khác sau lưng, đòi trả ơn khi làm ơn cho ai đó, và dùng quyền của mình để khuất phục người khác.”                 

Chúng ta cũng được mời gọi sống đời tận hiến vì phần rỗi tha nhân nhưng xét lại cho cùng chúng ta chưa làm đúng theo lời mời gọi của Chúa. Lắm lúc chúng ta biến đời tu trở thành chiến trường và đem anh chị em mình làm hy tế, sẵn sàng hy sinh danh dự của anh chị em mình để tìm lấy an toàn cho bản thân, chúng ta còn mang nhiều tư tưởng phàm tục. Chúng ta chưa đủ khiêm nhường để nhận ra khuyết điểm của bản thân, chưa đủ khiêm nhường để đón nhận anh chị em mình, chưa đủ khiêm nhường để đến với tha nhân trong lúc họ cần. Những lời hứa hẹn của ngày đầu tận hiến dần dần cũng nhạt phai theo năm tháng. Thay vì tận tâm tận lực để sống cho Chúa, cho tha nhân  thì chúng ta tận tâm moi móc khuyết điểm của anh chị em mình để được lòng người nọ, vui lòng người kia. Chính lúc đó là lúc ta đang sát tế anh chị em mình, vô tình chúng ta  biến đời tu trở thành một tòa án để kết án nhau.

Người môn đệ Đức Giêsu là người luôn mang trong mình trái tim nhân hậu và tinh thần khiêm nhường. Khiêm nhường để đón nhận nhau, khiêm nhường để tha thứ cho nhau, khiêm nhường để yêu thương và xây dựng nhau theo tinh thần của Đức Kitô, và điều quan trọng là khiêm nhường để nhận ra chính mình, nhận ra chính những yếu đuối lỗi lầm của mình. Mỗi người hãy biến đời mình thành hy tế để hiến dâng cho Chúa và đừng bao giờ sát tế anh chị em mình. Căn bản của đời tận hiến là tinh thần khiêm hạ. Nếu Đức Kitô không hạ mình đến với nhân loại tội lỗi thì ơn cứu độ sẽ không đến với chúng ta. Nếu Phêrô năm nào không khiêm nhường nhận ra sự yếu đuối của mình thì có lẽ ông đã rơi vào tuyệt vọng mãi mãi. Nếu tên trộm trên thập giá không khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình để van xin Chúa thương xót thì anh đâu được vào nước thiên đàng… Chúng ta không thể đem Đức Kitô đến với mọi người nếu chúng ta không đủ khiêm nhường cúi xuống với những mảnh đời đang cần đến chúng ta. Vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng thi ân cho người khiêm nhường”(1Pr 5,5).

Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của các nhân đức khác, và để có được đời sống khiêm nhường đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ. Từ bỏ cái tôi ích kỷ hẹp hòi để quảng đại tha thứ và nhìn thấy điều tốt nơi người anh chị em mình. Từ bỏ cái tôi thường hay lý lẽ để biện minh cho ý kiến của mình là đúng, là tuyệt đối vượt trên mọi ý kiến khác. Từ bỏ cái tôi thường làm cho xáo trộn trong đời sống chung.Từ bỏ cái tôi thờ ơ, lãnh đạm trước những nỗi khổ đau bất hạnh của anh chị em mình… Dọc theo chiều dài lịch sử của chương trình cứu độ, ta thấy Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho kẻ khiêm nhường: Chính Đức Maria đã cất lên lời kinh tán tụng: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52) hay người thu thuế tội lỗi lên đền thờ cầu nguyện được Chúa nhậm lời vì anh khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”(Lc 18, 9 -14). Chính Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta bằng một tình yêu trao ban quên mình: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).Trên hành trình theo Chúa, người môn đệ cần phải biết khiêm nhường qua cách sống từ bỏ mỗi ngày và chết đi với những tính hư tật xấu, chết đi với những tham vọng, chết đi với những nhu cầu vật chất khác thường, những mối tương quan xem ra không mấy thích hợp với đời tu và làm ảnh hưởng đến ơn gọi của mình.
 
“Lòng khiêm nhường cũng có thể bắt rễ trong trái tim xuyên qua những sự hạ mình. Nếu không hạ mình, sẽ không có khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu sỉ nhục và chấp nhận hạ mình, thì bạn không khiêm nhường và không ở trên nẻo đường thánh thiện. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội đến từ sự tự hạ của Chúa Con. Người là con đường. Việc hạ mình làm cho bạn giống Chúa Giêsu; nó là khía cạnh thiết yếu của việc bắt chước Đức Kitô. Vì “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho những ai muốn dõi bước theo Người” (1Pr 2,21). Về phần Người, Đức Kitô cho thấy sự khiêm nhường của Chúa Cha, Đấng hạ cố để đi trong hành trình với dân Ngài, chịu đựng những sự bất trung và những phàn nàn kêu ca của họ (x. Xh 34,6-9; Kn 11,23 – 12,2; Lc 6,36). Vì lý do này mà các Tông đồ, sau khi bị sỉ nhục, đã vui mừng hân hoan “vì thấy mình được xứng đáng chịu nhục mạ vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). [4]

“Ở đây tôi không đang duy chỉ nói đến những trường hợp tuẫn đạo, mà cả về những sự hạ mình hằng ngày của những người giữ thinh lặng để cứu vãn gia đình mình, những người mau mắn khen ngợi người khác hơn là khoác lác về chính mình, hay những người chọn những công việc hèn mọn nhất, và đôi khi ngay cả chọn chịu sự bất công để dâng cho Chúa. “Nếu làm việc lành và vì đó mà phải khổ, thì anh em được Chúa ưng nhận” (1Pr 2,20). Điều này không có nghĩa là đi loanh quanh với đôi mắt cứ nhìn xuống đất, chẳng nói chẳng rằng, và tránh gặp gỡ người khác. Có những lúc, chính vì người ta tự do khỏi tính ích kỷ mà họ có thể dám bày tỏ sự bất đồng một cách nhẹ nhàng, dám đòi hỏi công lý hay bênh vực kẻ yếu trước kẻ mạnh, ngay cả dù điều này có thể làm họ phải chịu búa rìu dư luận.” [5]

“Tôi không nói rằng sự hạ mình như thế thì thích thú, vì nếu vậy hóa ra là bệnh thống khoái, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng đó là một cách để bắt chước Chúa Giêsu và để lớn lên trong mối kết hợp với Người. Trên bình diện thuần túy tự nhiên thì người ta không thể hiểu điều này, và thế gian chế nhạo bất cứ ý niệm nào như thế. Nhưng đây là một ân sủng đạt được trong cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi con bị sỉ nhục, xin Chúa giúp con biết rằng đó là con đang bước theo chân Chúa”. [6]

Lạy Chúa, xin cho con biết học nơi Chúa bài học khiêm nhường để mỗi ngày nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân. Xin cho con biết kiêm nhường nhìn nhận tội lỗi của mình, biết đứng lên sau những lần vấp ngã để được Chúa thứ tha. Xin cho con biết hy hiến đời mình với tất cả lòng chân thành và đừng bao giờ sát tế anh chị em mình vì bất cứ một lý do nào khác. Xin Chúa thanh tẩy những thái độ kiêu căng, ích kỷ giận hờn để mỗi ngày chúng con sống khiêm nhường hơn. Xin cho chúng con biết tôn trọng, yêu thương và sống đẹp với nhau trong từng giây phút. Như xưa Mẹ Maria đã theo chân Chúa cho đến cùng trên đồi Canvê. Xin cho chúng con luôn biết đứng dưới chân thánh giá đợi anh chị em mình để cùng nhau hy hiến theo gương Thầy Chí Thánh, cùng nhau học bài học khiêm nhường hầu mỗi ngày tận tâm tận lực sống đời tận hiến cách tích cực hơn.

 
______________

 
[1] Chiều kích siêu việt trong ơn gọi thánh hiến
[2] Chiều kích siêu việt trong ơn gọi thánh hiến
[3] Chiều kích siêu việt trong ơn gọi thánh hiến
[4] Trích Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ (Gaudete et exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chương IV, số 118
[5] Trích Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ (Gaudete et exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chương IV, số 119
[6] Trích Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ (Gaudete et exsultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chương IV, số 120
 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Hiền Linh

 Tags: Suy tư, Đời tu

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây