Những Thánh Lễ khấn dòng “âm thầm”

Thứ hai - 02/08/2021 07:54 1.477 0
 


Hơn cả tháng nay, tôi nhận được khá nhiều tin nhắn từ Group Anh chị em tu sĩ giáo xứ: “Ngày … tháng…. năm 2021, thầy…/sr… sẽ được lãnh nhận hồng ân tuyên khấn trọn đời,  khấn lần đầu trong Hội dòng… Vì đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên thánh lễ sẽ tổ chức âm thầm trong tính cách nội bộ. Xin anh chị em tu sĩ trong giáo xứ cầu nguyện cho các thầy, các sr nhân ngày hồng phúc này”.

Với những người đã chọn đời thánh hiến, ngày lãnh nhận hồng ân tiên khấn, vĩnh khấn là một mốc đáng nhớ trong cuộc đời họ. Ai cũng mang trong mình tâm trạng vui mừng và hạnh phúc. Họ vui mừng không phải vì đã qua thời gian tập luyện, đã vượt qua được những thử thách và hôm nay mình được tuyên khấn. Họ vui mừng cũng không phải vì đạt được thành công, được thăng chức theo như kiểu người đời. Nhưng họ thực sự vui mừng và hạnh phúc bởi họ cảm nhận được tình yêu Chúa đong đầy trong hành trình ơn gọi của họ, như lời sách tiên tri Giêrêmia đã viết: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta đã dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Họ biết rõ những yếu đuối, khiếm khuyết của mình, họ thấy mình bất xứng, nhưng vì tình yêu, Chúa đã chọn gọi và cất nhắc họ nên nghĩa thiết với Ngài qua lời khấn dòng. Bởi thế, ai đã từng tham dự thánh lễ khấn dòng cũng đã từng chứng kiến những giọt nước mắt nghẹn ngào của các tu sĩ khi đọc lời tuyên khấn.

Ngày lễ khấn dòng là ngày hồng phúc, không chỉ riêng đối với các tu sĩ nhưng niềm vui của ngày đó còn được lan tỏa đến cha mẹ, những người thân quen của họ. Ngày dâng con cho Chúa, mẹ cha mang bao khát vọng về người con của mình, ngày đêm gia tăng lời cầu nguyện cho con được ơn bền đỗ. Hạnh phúc biết bao khi con báo tin chuẩn bị được khấn dòng. Cha mẹ chờ mong được chứng kiến tận mắt con mình bước lên ký kết giao ước tình yêu thánh hiến. Và chắc hẳn người con nào cũng mong sự hiện diện của cha mẹ và những người thân yêu trong ngày hồng phúc của mình.

Thế nhưng, đã hơn mấy tháng nay…. có những thánh lễ khấn dòng chỉ diễn ra cách âm thầm…

Trong hoàn cảnh không mấy sáng sủa của toàn thế giới khi đại dịch Covid-19 đang bủa vây, thì bên trong nguyện đường nhỏ bé của tu viện, thánh lễ khấn dòng vẫn đang diễn ra trong bầu khí trầm lắng, linh thiêng. Không có băng rôn, khẩu hiệu, không có sự hiện diện đông đảo của các linh mục đồng tế, của các anh chị em tu sĩ dòng bạn, thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ, họ hàng, bạn bè, không có những tặng phẩm vật chất, không tổ chức tiệc tùng… Nhưng hơn lúc nào hết, chính trong bối cảnh này người tu sĩ cảm nghiệm rất rõ sự huyền nhiệm của tình yêu Chúa cách đặc biệt cho những người Chúa chọn. Sự thiếu vắng những điều mà trong những thánh lễ khấn dòng thường có không làm vơi đi lòng khao khát và tình yêu họ dành cho Đấng mà mình yêu mến và tôn thờ. Để rồi giữa những khó khăn của hoàn cảnh hiện tại, họ vẫn can đảm bước lên ký kết giao ước tình yêu thánh hiến với một cung bậc cảm xúc hân hoan khó tả.

Sự âm thầm của thánh lễ khấn dòng giữa mùa đại dịch hôm nay mang nhiều ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các tu sĩ khấn dòng trong thời điểm này nhưng là cho tất cả tu sĩ nói chung.
 
Nếu như theo thói thường, trước ngày tuyên khấn, người tu sĩ sẽ được tạm gác những công việc bổn phận hàng ngày để sống gắn bó hơn với Chúa, chuẩn bị tâm hồn cho ngày khấn dòng. Nhưng trên thực tế, không ít thì nhiều người tu sĩ cũng bị phân tâm bởi những chuyện bên ngoài: “Mình sẽ ghi tên ai vào tấm thiệp mời dự lễ khấn trong khi số lượng có hạn? Không biết gia đình mình sẽ đi dự lễ như thế nào? Thánh lễ tạ ơn sẽ tổ chức ra sao?”…

Còn trong hoàn cảnh hiện tại, người tu sĩ không cần phải bận tâm về những chuyện bên lề, họ có thêm thời gian để gắn chặt đời mình với Chúa, để hướng trọn lòng trí lên cùng Chúa và nhận ra được sự quan phòng cách kỳ diệu của Chúa trên cuộc đời họ, họ sẽ cảm nhận được niềm vui mới trong hoàn cảnh mới, một hoàn cảnh đang có nhiều biến động và đổi thay.

Thánh lễ âm thầm giúp người tu sĩ cảm nghiệm sâu xa hơn về giá trị của sự hy sinh, từ bỏ, thấm thía hơn ý nghĩa của việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt là lời khấn khó nghèo. Đây như là một nốt lặng để người tu sĩ biết bỏ lại những hào nhoáng bên ngoài, để họ thêm xác tín rằng chỉ có Chúa là trung tâm của đời tận hiến, mọi thứ đều có thể thiếu, duy chỉ mình Chúa là không.

Thánh lễ âm thầm mang tính cách nội bộ, trong thánh lễ này sự hiện diện đầy yêu thương và ấm cúng nhất không ai khác ngoài những anh - chị em cùng chung lý tưởng trong một Hội Dòng. Hơn lúc nào hết, người tu sĩ sẽ cảm nhận sâu xa hơn về ý nghĩa của đời sống cộng đoàn. Dù trong hoàn cảnh nào, người tu sĩ vẫn luôn nhận được sự nâng đỡ và đồng hành của anh - chị em trong Hội dòng, cộng đoàn “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv132). Đó là động lực để mỗi người tu sĩ biết dấn thân hơn, nỗ lực hơn và hăng say hơn trong sứ mạng.

Thánh lễ âm thầm, không có tặng phẩm vật chất nhưng người tu sĩ lại nhận được những món quà thiêng liêng vô giá.
Một người chú đã gọi điện báo tin cho tôi: “Cháu ơi, em N. chuẩn bị được khấn lần đầu, vì dịch bệnh chú mợ không thể được đi dự lễ, nhưng chú sẽ bù lại bằng cách cầu nguyện thật nhiều cho N. Cháu nhớ cầu nguyện cho em N. nữa nhé”…


Quả là một lời báo tin đong đầy đức tin và tình mến. Dù không hiện diện trực tiếp nhưng chắc chắn cha mẹ và những người thân vẫn hướng về người con của mình trong ngày tuyên khấn. Họ đã trao tặng cho con món quà cao quý nhất là lời cầu nguyện và sự hy sinh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để người tu sĩ hiểu được giá trị cao quý của món quà thiêng liêng. Bởi những bó hoa, những tặng phẩm vật chất dù có đắt giá rồi cũng sẽ qua, còn lời cầu nguyện thì mãi là động lực, là nền tảng vững chắc cho người tu sĩ trên mọi nẻo đường phục vụ.

Thánh lễ khấn dòng trong mùa dịch, mỗi người tu sĩ đọc được ý Chúa trong mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố của cuộc đời. Hãy học nơi Đức Giêsu mẫu gương tuyệt hảo của đời tận hiến. Chính Ngài đã đến trần gian, phục vụ mọi người trong âm thầm, khiêm tốn. Hãy nhận ra giá trị cao đẹp của những việc phục vụ âm thầm để không nề hà với bất cứ công việc nào được trao phó. Hãy là những “chuyên viên âm thầm” của Chúa để lan tỏa tình yêu thương của Chúa đến với mọi ngõ ngách của cuộc đời. Nhất là trong thời gian dịch bệnh đang hoành hành, hãy gia tăng lời cầu nguyện  và sự hy sinh cách âm thầm để dù cho Cô-vy có độc ác thế nào cũng chỉ có thể làm cho con người giãn cách chứ không giãn lòng.

 

Tác giả bài viết: Nt. Maria Đặng Liên – CĐ Giuse Gò Vấp

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 53 trong 19 đánh giá

Xếp hạng: 2.8 - 19 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây