Suy Niệm Chủ đề tuần 3 Mùa vọng năm 2023

Thứ hai - 11/12/2023 07:47 442 0
 

Suy Niệm Chủ đề tuần 3 Mùa vọng năm 2023
Chủ đề: Tham gia đời sống Giáo hội hiệp hành qua Hội dòng.
 

Lời Chúa:Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, chúng con xin tạ ơn, chúc tụng, tôn vinh tình thương nhưng không Cha đã dành cho chúng con qua Thánh tử Giê-su, Ngài đã vâng lời Cha để đón nhận sứ mạng cứu độ nhân loại qua mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời được loan báo nhờ vị chứng nhân thánh thiện Cha đã tuyển chọn mà Kinh Thánh ghi lại “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7). Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng, trung thực của mình. Gioan khiêm tốn cho biết ông chỉ là tiếng hô dọn đường, làm phép rửa bằng nước, còn Đấng đến sau ông quyền thế hơn - ông không đáng cúi xuống xách dép cho Người.
Lạy Cha, chúng con cũng được Cha mời gọi tiếp tục sứ mạng giới thiệu Đức Giê-su Đấng Cứu Thế duy nhất cho con người trong thế giới hôm nay qua nếp sống đời thánh hiến. Đấng sáng lập dòng cũng khiêm tốn dạy chúng con:  “Các con hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người”[1]. Xin cho chị em chúng con nhờ thực thi các lời khấn dòng được liên kết chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được thuộc về Đức Kitô qua Giáo hội và Hội dòng, được giải thoát khỏi mọi ràng buộc ở đời để sống cho Cha và tha nhân cách trọn vẹn hơn. Xin cho chúng con thật sự hạnh phúc vì biết rằng đời mình đã tự nguyện dâng hiến làm của lễ với Đức Giêsu nhờ mầu nhiệm Nhập Thể của Người. Nhờ Người, với Người và trong Người chúng con biết đón nhận người khác trong tinh thần Hiệp hành, Hiệp thông để cùng nhau tham gia mọi sứ vụ của Hội dòng, góp phần làm cho Hội thánh thêm xinh đẹp, thánh thiện vẹn tuyền như Đức Kitô là đầu. Xin cho tình thần sống thuộc về Thiên Chúa và thuộc về nhau của mỗi chúng con trở nên chứng tá sống động cho Đức Giêsu Kitô Đấng đã đến và sẽ đến, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại hôm qua hôm nay vẫn là một.

Suy niệm:

Yếu tố nền tảng và cốt lõi trong sự hiệp hành cộng đoàn, đó là mỗi thành viên trong cộng đoàn phải xác tín mình được quy tụ nhân danh Chúa Giêsu Kitô: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Niềm xác tín này được nhìn nhận thuộc về cảm thức Đức tin của Giáo hội trong suốt chặng đường lữ hành và đây cũng là nguyên lý khởi thủy và căn bản nhất cho một cộng đoàn tu trì. Làm sao một cộng đoàn được quy tụ nhân danh Đức Kitô lại không quy hướng về Đấng ấy? Để hiệp hành, không chỉ là một vài người hướng về Đức Kitô, mà là cả cộng đoàn tu sĩ. Trên hết, mỗi người phải ý thức rằng Chúa Kitô là trung tâm tuyệt đối của cộng đoàn, là nguồn sống sung mãn cho cộng đoàn trên mọi chiều kích. Việc tập trung vào Đức Kitô mời gọi các tu sĩ lắng nghe Lời của Người, lãnh nhận chính Mình Máu Người, cho phép Người tan biến và lớn lên trong tâm trí và trái tim của chúng ta. Để những cách nhìn, cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách đánh giá và hành động của Đức Kitô trở thành lối sống của mỗi thành viên nơi cộng đoàn. Khi đạt được đỉnh cao của sự kết hợp với Đức Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Người, các tu sĩ không còn bị hạn chế bởi nội vi của tu viện nữa. Không có gì ngăn cản tâm hồn người tu sĩ vươn tới một tình yêu dành cho tha nhân ở mọi nơi, cho sự hoàn thiện của Giáo hội, và cho sự thăng tiến của cả thế giới. Nếu như mọi hành động của từng thành viên nơi cộng đoàn từ nhỏ đến lớn đều khởi sự từ Đức Kitô và cũng hoàn tất trong Người thì phải nói rằng cộng đoàn ấy chính là một phản chiếu tròn đầy cho cộng đoàn nơi Thiên Quốc.

Bước theo Chúa trên con đường dâng hiến, người tu sĩ được mời gọi sống trong một Hội dòng nơi đây Hiến Chương dòng Mến Thánh Giá gọi là gia đình đích thực bắt nguồn từ chính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Hc. Điều 35/1). Tinh thần gia đình của những người sống đời tu thể hiện ở chỗ mỗi người trở nên chị em với nhau, quan tâm săn sóc cả tình trạng tâm lý và tâm linh dù họ đến từ những vùng miền rất khác biệt, lại được giáo dục trong những môi trường và thế hệ tuổi tác cũng khác biệt và cách xa nhau. Các tu sĩ cao niên đón nhận tu sĩ trẻ như là những người em, người con, người cháu sẵn sàng giúp đỡ và động viên, hết lòng truyền lại những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình cho họ. Các tu sĩ trẻ kính trọng, học hỏi những thế hệ trước về sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Mỗi thành viên được mời gọi sống hiệp nhất, yêu thương, nâng đỡ, chăm sóc cho nhau và cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm khi vui cũng như lúc buồn. Một khi đã cảm thấy mình thuộc về gia đình này, tự nhiên sẽ cống hiến mọi khả năng thể chất cũng như tinh thần. Làm cho Ân sủng Chúa ban riêng cho mỗi người được tỏa sáng, được triển nở làm cho gia sản của Hội dòng thêm phong phú và có tính sáng tạo để hội nhập với những hoàn cảnh xã hội khác nhau theo từng thời đại. Nếu không có cảm thức thuộc về Hội dòng, Cộng đoàn thì người tu sĩ sẽ không hứng thú khi tham gia vào đời sống chung và sứ vụ của  Cộng đoàn mình được sai đến. Họ sẽ làm cho mình trở thành người dửng dưng, đứng ngoài cuộc và không toàn tâm toàn ý tháp nhập vào hành trình chung của cộng đoàn.

Bầu khí vui tươi, bình an trong cộng đoàn được xem là “sản phẩm” của tiến trình hiệp thông. Theo đó, tinh thần rộng mở kiến tạo một bầu khí thân thiện và thân ái bởi những gì mang tính độc hại, nguy hiểm đến từ sự ích kỷ, nhỏ nhen, hơn thua, tranh chấp đã bị đẩy xa khỏi không gian của cộng đoàn; đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa tình huynh đệ, tương thân tương ái với nhau trong mọi hoạt động sống. Bầu khí tươi vui, bình an làm cho mọi người tôn trọng sự khác biệt của nhau, lắng nghe, cảm thông, phân định cả những tiếng nói, suy tư khác mình. Với tinh thần Hiệp hành, Hiệp thông thực sự không một trái tim nào cảm thấy lẻ loi hay bị bỏ rơi. Tất cả sẽ cùng hòa vào nhịp đập trái tim của Đấng đã chọn gọi và quy tụ họ nên một gia đình linh thánh.

Nguyên tắc trọng tâm được thánh Phaolô đưa ra cho việc xây dựng mối Hiệp thông, Hiệp hành trong Hội Thánh và từng Cộng đoàn tu trì là: mỗi thành viên hãy “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4, 15). Đức Kitô vừa là sự thật vừa là tình yêu. Nếu chỉ dừng lại ở sự thật, cuộc gặp gỡ sẽ biến thành tòa án. Nếu chỉ có bao dung thương xót, sẽ không thể canh tân Hội Thánh [2].

Sống tình Hiệp thông thật sự làm cho con người hạnh phúc. Thật vậy, khi tạo dựng con người giống Thiên Chúa, Thiên Chúa đã ban cho họ hồng ân hiệp thông. Vì thế, tự căn tính họ sống kết hiệp và tương quan với người khác, chỉ khi đi vào trong tương quan với người khác, con người mới là chính mình. Hiệp thông trở nên bản chất của con người, bản chất và sứ mạng của Giáo Hội. Thế nhưng, “biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông: đó là thách đố lớn mà chúng ta phải đối mặt trong ngàn năm mới đang bắt đầu”
[3].  
  
Theo gương Thánh Gioan Tẩy giả chứng nhân ánh sáng và trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường- dọn lối cho Chúa đến. Người làm chứng là người sống đúng như chứng từ của mình. Gioan “đến để làm chứng về ánh sáng”. Trung thực với chứng từ này, một mặt ông cố gắng chỉ cho người ta thấy Ánh Sáng là ai, mặt khác khi có người tưởng ông là Ánh Sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận. Rồi khi Ánh Sáng xuất hiện, ông âm thầm rút lui : “Ngài phải sáng lên, còn tôi phải mờ đi”.Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội còn nhiều gian dối hôm nay.

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền, không o bế kẻ lắm tiền.Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn là làm chứng cho sự thật, cho ánh sáng. Ước gì khi nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng có thể nói như đã nói về Thánh Gioan Vianey “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay tuần thứ 3 Mùa Vọng Chúa mời gọi con đặt mình trước Chúa, để thấy được rằng con có trở nên người mang ánh sáng của Thiên Chúa và loan truyền ánh sáng đó cho người khác hay không? Lời đáp trả vẫn tùy thuộc vào sự tự do của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết sống thế nào để cho việc làm của chúng con không tố cáo chúng con là người môn đệ giả hình, người tu sĩ nửa vời nhưng luôn minh chứng cách thuyết phục rằng chúng con đích thực là môn đệ chân chính của Chúa, người thuộc về Chúa thật sự qua lời khấn dòng. Xin Chúa ban cho chúng con có được niềm vui từ trong tâm hồn bằng việc thay đổi lối sống cho phù hợp với tinh thần của Chúa. Có được niềm vui đó, chúng con mới xứng đáng trở thành bạn của Chúa, là người có tâm tình chờ đợi Chúa thật sự và là người làm chứng về ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể - Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa.  Amen


Thực hành: Đón nhận và chu toàn sứ vụ tông đồ trong tình yêu mến.

_____________
[1]( Đc. Lambert –Btt 4)
[2] ĐGM Giuse Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh, tgpsaigon.net. Truy cập ngày 01/10/2022.
[3] Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới, s. 43.
                 
                                                                                                                 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây