Suy niệm Chủ đề Mùa vọng 2023

Chủ nhật - 26/11/2023 03:02 544 0

 
Sống Chủ Đề Mùa Vọng 2023
     Chúa Nhật I Mùa vọng B


Chủ đề: Tham gia đời sống Giáo hội hiệp hành, tỉnh thức đón chờ Chúa đến.

Lời Chúa: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.”(Mc 13,33).

Lời nguyện mở đầu:                             

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh! Lời đầu tiên của ngày sống mới chúng con muốn thân thưa với Chúa là lời ngợi khen, chúc tụng, cảm mến tri ân vì tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con .
Chúng con xin thay lời cho muôn loài thụ tạo bày tỏ tâm tình cám ơn và yêu mến Chúa, Chúng con cũng xin dâng thay cho những người thân yêu của chúng con, những ai đang lao đao vất vả vì mưu sinh, hay phải đau khổ buồn phiền vì bệnh tật, rủi ro,…chúng con những người tận hiến theo lý tưởng Mến Thánh Giá được mời gọi sống gắn bó, hiệp thông với Giáo hội bằng đời sống: cầu nguyện, nguyện ngắm, chiêm niệm và sống Mầu nhiệm Thập giá với tâm tình yêu mến, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô. Càng tiếp xúc thân mật với Chúa càng để cho Người hoạt động trong chúng con. Càng khám phá và cảm nghiệm tình yêu của Người ngay trong cuộc đời mình thì càng quảng đại dấn thân phục vụ Giáo hội, nhất là Giáo hội địa phương để danh Chúa được tôn vinh.
  
Lạy Cha xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, giúp mỗi chị em chúng con sống tâm tình mùa vọng trong Khiêm tốn, Tỉnh thức, Cầu nguyện để tiếp tục cùng với Đức Giêsu hiến thân cho Thiên Chúa Ba Ngôi và cho nhau trong đời sống cộng đoàn,  phục vụ mọi người trong môi trường được sai đến nơi các Giáo hội địa phương cách quảng đại, vui tươi. Xin trợ giúp chúng con luôn biết nhận ra Chúa đang đến trong đời mình, nhận ra những thiếu xót, sai lỗi của mình trong tương quan với Chúa,với nhau và với mọi người. Đó cũng là cách chúng con tỉnh thức đợi chờ để dọn đường cho Chúa ngự đến. Xin thôi thúc nơi con lòng nhiệt tình để làm sinh lợi nén bạc Cha trao, nhờ đó chúng con có thể sẵn sàng chờ đón ngày cuối cùng của con trong mọi nơi mọi lúc.

Suy Niệm:

Mục đích chính và ý nghĩa sâu sa của Hiệp Hành là trở nên thân tình với Thiên Chúa và gần gũi anh em trên đường đi theo Đức Giêsu, bởi Hiệp Hành không là con đường riêng của một người, một nhóm người, nhưng là con đường chung, con đường Đức Giêsu mời gọi tất cả mọi tín hữu cùng đi với Ngài. Chính vì muốn mọi người, không trừ ai cùng đi với Ngài, mà “Ngôi Lời đã làm người, ở giữa chúng ta” và đồng hành, hiệp hành với chúng ta trên hành trình làm người, làm con Thiên Chúa.

Như thế, trên bước chân Hiệp Hành, người Kitô hữu không thể sao lãng mục đích trở nên bạn đồng hành thân tình của Đức Giêsu, và bạn đường gần gũi anh em mình, bởi thiếu một trong hai, đường Hiệp Hành không còn giá trị, và ý nghĩa như lòng Chúa mong ước.
Tại sao phải gắn bó thân tình với Đức Giêsu và gần gũi, thân thiện với anh chị em trên đường Hiệp Hành?

Thưa vì chúng ta được mời gọi gắn bó thiết thân với Đức Giêsu như Ngài dạy để được hạnh phúc: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 13,5), đồng thời được thúc đẩy tiếp cận, gần gũi anh em để Thiên Chúa được vinh danh: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Như thế, khi gắn bó thiết thân với Đức Giêsu, người Kitô hữu được “nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi” và kết quả là họ sinh nhiều hoa trái, và một khi đã nên một với Thiên Chúa, họ cũng sẽ “nên một” với nhau, và kết quả là Thiên Chúa được yêu mến, tôn thờ khi mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, và nhận ra nhau là môn đệ của Ngài, vì họ có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13,35).

Do đó, Hiệp Hành là con đường Hiệp Nhất, con đường  Hiệp Thông, con đường “nên một” với Thiên Chúa và với anh em mình, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho nhau như Đức Giêsu đã khẳng định. Con đường Hiệp Hành dẫn chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa để được hiệp nhất nên một với Chúa, và được Lời hằng sống thanh tẩy, biến đổi mỗi người nên những sứ giả của Tin Mừng “tuyên xưng tình thương của Chúa từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya“ (Tv 91,3).

Sống tâm tình Mùa Vọng năm nay chúng ta được mời gọi bước đi cùng với Giáo hội, Hiệp hành cùng nhau, cùng nhau tham gia sứ vụ của Giáo hội. Người nữ tu Mến Thánh Giá tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội cách tích cực qua các hoạt động tông đồ, nếu không cảm thức mình thuộc về Giáo hội- có bổn phận và trách nhiệm đối với Giáo hội làm sao người nữ tu Mến Thánh Giá thể hiện tinh thần tông đồ qua chuỗi ngày sống? Nếu không được hun đúc và vun đắp bởi linh đạo Lâm bích, được thể hiện rõ nét qua cuộc đời Đấng sáng lập- Đức cha Lambert de la Motte. Đức cha chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh, nhận ra tình yêu và chương trình cứu thế của Thiên Chúa mặc khải nơi Thập giá và nghe được tiếng Chúa sai đi đưa các linh hồn về với Người (x.ts.III,12). Ngài chia sẻ kinh nghiệm của mình thế này: Một thừa sai Tông tòa là một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô. Không thể trở thành thừa sai Tông tòa đích thực, nếu không là một hy lễ đau khổ xứng với bậc sống của mình.[1] Đây là dịp thuận tiện, đây là cơ hội để chị em chúng ta xét lại tinh thần tham gia của mình trong việc thực thi sứ mạng của Hội dòng trong hoàn cảnh hiện tại ngang qua trách nhiệm và bổn phận được trao. Cách riêng là chứng từ hiện diện của mỗi người trong đời sống cộng đoàn và nơi sứ vụ mình được mời gọi phục vụ. Giáo hội và Hội dòng chỉ được canh tân khi mỗi thành viên có một đời sống hoán cải trong Đức Kitô theo bậc sống của mình. Đức Thánh cha Phanxicô đã nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến trong Tông thư Năm Đời sống Thánh hiến: “ Với Chúa Giêsu, chúng ta còn phải tự hỏi chính mình, có thực sự là tình yêu thứ nhất và cuối cùng như chúng ta đã khấn, và khi chúng ta đọc các lời khấn không? Chỉ khi nào là như thế, chúng ta mới có thể và phải yêu trong chân lý và lòng thương xót mọi người mà chúng ta gặp trên hành trình của chúng ta...” [2]

Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá chúng ta hiệp thông với Giáo hội địa phương qua chiều kích tông đồ. “ Do hồng ân thánh hiến đặc biệt, chị em được gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô một cách sâu xa trong công cuộc cứu độ thế giới” [3]. Chị em  phải gắn bó với Giáo Hội địa phương và cộng tác với hàng giáo sĩ theo qui định của Giáo Hội và Luật Dòng” [4] . Vì thế, chúng ta được mời gọi trở nên  “cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô” [5]

Để có được lối sống hiệp thông, tham gia cách tích cực và năng động, đòi hỏi chị em chúng ta phải tự hoán cải chính mình. Một sự hoán cải mang tính Vượt qua từ “vị kỷ” sang “yêu thương” từ  cái “tôi’ sang cái “chúng ta”, từ “cá nhân”sang cái “chung” , từ  “cộng đoàn cho tôi” sang “tôi cho cộng đoàn”. Nếu không có sự hoán cải của con tim và lý trí, của suy nghĩ, hành động và lối sống, mà đi vào sự hiệp thông, thì chúng ta có nguy cơ trở thành những “Pharisêu thời đại mới” - không nhìn thấy thiếu sót của mình mà quen với thái độ kẻ cả, ưa bắt bẻ, lên án, chỉ trích; thay vì thấu hiểu, cảm thông và  đón nhận nhau để xây dựng Cộng đoàn, Hội dòng, Giáo hội.

Trong lời tuyên khấn dòng chúng ta cam kết “cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” khía cạnh này thật sâu sắc vừa thể hiện tinh thần cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn vừa mang sắc thái của một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ; vừa làm nổi bật ba chiều kích linh đạo Lâm bích: Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ.

Chúng ta cùng chờ đón Chúa đến với tâm tình hoán cải thực sự về thái độ Hiệp hành, Hiệp thông, Tham gia của mình trong sứ vụ chung của Giáo hội, Hội dòng và Cộng đoàn.

Là người nữ tu Mến Thánh Giá tôi có để ý tập luyện trong lời nói và hành động để trở nên cầu nối của sự hiệp nhất tham gia cùng nhau hay tôi đã trở thành nguyên nhân chính của các vụ chia rẻ, bất hòa, hiểm lầm, chống đối lẫn nhau trong sinh hoạt Mục vụ, Phục vụ...ở các nơi mình được sai đến? Tôi là người hay chê bai, chỉ trích các hoạt động mà sứ vụ mời gọi? Tôi thích làm việc Tông đồ để vinh danh cá nhân hơn là để Sứ vụ của Cộng đoàn, Hội dòng, Giáo hội được tỏa sáng?

Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Vọng này mời gọi, thôi thúc chúng ta canh thức, đợi chờ trong cẩn mật và thận trọng, tức là canh chừng đừng để mình bị thói đời lây nhiễm, không ngủ quên trên các thành công giả tạo hoặc các giá trị ảo mà mình tưởng mình như thế. Hãy canh thức đừng để mình rơi vào tình trạng sống chung nhưng không bước đi cùng nhau trong đời sống tu trì nơi cộng đoàn và sứ vụ. Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người đến trong hiền lành khiêm nhường của một người phục vụ. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ nghèo nèn, Người lẫn vào giữa đám đông vô danh, bất hạnh, người thích tỏ mình nơi những công việc hèn kém, vô danh hơn; Thiên Chúa Ngài không đến trong những hoành tráng, Ngài thường đến trong gió nhẹ và tiếng thì thầm... Thật tỉnh táo chúng ta mới nhận ra Người.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, trên đường thi hành sứ mạng của Chúa luôn có sự cộng tác tích cực của nhiều phụ nữ, hành trình loan báo Tin Mừng hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng con tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội, chúng con được cùng với các mục tử thi hành sứ mạng Tông Đồ trong điều kiện có thể nơi chúng con được sai đến và hiện diện. Xin cho chị em chúng con khi được sai đến nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào cũng biết thể hiện tinh thần thừa sai của mình qua nếp sống cộng đoàn. Xin cho mỗi người luôn biết chiếu tỏa niềm vui Tin Mừng bằng phong cách sống trưởng thành, quân bình, bằng nghĩa cử nhân hậu, hành động xả thân vì tha nhân. Xin đổi mới tâm hồn chúng con và mặc cho mỗi người trái tim thịt mềm, biết yêu thương và đồng cảm với anh chị em chung quanh  và phục vụ mọi người như phục vụ Chúa nơi hành trình cuộc sống của chúng con. Xin cho chị em chúng con trở thành chuyên viên Hiệp thông khi tham gia Sứ vụ nơi các Giáo hội địa phương để Chúa đến trong lòng mọi người bằng sự bình an, vui tươi, hạnh phúc.  Amen
Thực hành:  Hoán cải bằng việc tập từ bỏ một tính xấu.

-----------------------
[1]. (x. Tuyển tập bút tích- Di cảo của Đ.c Lambert de la Motte, số 11 và 16).
[2] (Trích số 2, Tông thư Năm Đời sống Thánh hiến của ĐTC Phanxicô)
[3] ( Hc Đ 67/1),
[4] ( HC.Đ 5 /1)
[5] (x.  ĐC Lambert – Ts 31)



 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây