Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần IV

Thứ ba - 05/03/2024 20:57 525 0


Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần IV
Yêu thương, hiệp thông, tham gia để làm chứng cho lòng Chúa thương xót.

Lời Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 15b)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, hiệp nhất, hiệp thông giữa các ngôi vị. Chúng con chúc tụng, ngợi khen, cám ơn về tình yêu nhưng không Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa và biết sống hiệp nhất yêu thương lẫn nhau trong tình yêu của Chúa. Chính khi chúng con sống yêu thương là chúng con tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đời sống của mình. Một khi cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa, tâm hồn chúng con được thanh tẩy, được hoán cải để dễ dàng sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong từng con người bé nhỏ. Xin cho chúng con luôn được kết hiệp với Chúa Giêsu và luôn gắn kết với nhau để xây dựng sự hiệp thông trong Cộng đoàn, trong Hội dòng và nơi mình được sai đến phục vụ. Lạy Chúa, Con biết, con chỉ thực sự là người nếu con sống với anh em con. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống bên con... Con chỉ thực sự là người nếu con sống với Chúa Kitô. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống trong Con. Chúa giáng trần yêu thương Ngài làm một người. Vì yêu Người đã chết để cứu loài người. [1]
 
Suy niệm:

Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Thánh Grêgôriô Cả nói: “Để giữ vững cương vị thì tình thương phải lan tràn sang người khác”. Nói cách khác, tình thương phải bắt nguồn nơi mình và phải kết thúc nơi người khác, chẳng vậy nó chỉ còn là ích kỷ chứ không còn là tình thương nữa.

Chủ đề tuần IV Mùa Chay mời gọi chúng ta suy niệm Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời” (Ga 3,16). Yếu tính của tình thương là cho đi. Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi..." Đó là câu hát nổi tiếng trong bài "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn thì mỗi chúng ta cần phải biết cho đi. “Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”. Yêu tức là CHO tất cả. Thiên Chúa yêu thương loài người và đã cho loài người tất cả: trời đất, núi non, sông biển... muôn loài tạo vật. Thiên Chúa còn cho loài người sự sống. Thiên Chúa cho con người một linh hồn – một thứ làm cho loài người nên giống Thiên Chúa “Anh em thân mến, ... những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính?, thì Người cũng cho họ được vinh quang” (Rm 8, 17).

Thiên Chúa đã ban cho loài người tất cả, ngay đến chính Con Một, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người cho thế gian” (Ga 3, 15b)

Đức Giêsu Kitô- Con Thiên Chúa đã dành cả cuộc sống trần thế để công bố, rao giảng và thể hiện dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu qua cuộc sống, việc giảng dạy, làm phép lạ; đặc biệt Ngài biểu lộ tình yêu lớn nhất dành cho Cha và nhân loại nơi Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài.

Phụng vụ mùa chay, Hội thánh cho chúng ta cử hành và suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Thập giá diễn tả một cách hoàn hảo Lòng Chúa thương xót của Thiên Chúa. Hình ảnh người Tôi tớ đau khổ của Đức Giavê được mô tả trong sách Ngôn sứ Isaia đã thực hiện nơi Đức Giêsu: Người không còn hình dạng cho chúng ta nhìn ngắm. Người mang lấy trên thân mình tất cả tội lỗi nhân gian. Thiên Chúa đã “đánh phạt” Người (x. Is 52,13-53,12). Quả vậy, trên cây thập giá, Đức Giêsu như một tội nhân khốn khổ và như một người nghèo khó tới mức tột cùng. Dường như Thiên Chúa cũng bỏ rơi Người (x. Mt 27, 46).

Chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô chịu thương khó, mỗi chúng ta cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương; một cách tự nhiên, chúng ta chỉ có một cách đáp đền đó là yêu mến Ngài bằng cách sống theo Lời và thực thi giới răn yêu thương đối với anh chị em đồng loại. Cách sống yêu thương là lời chứng cho mọi người biết: Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng mà chúng ta tuyên xưng và bước theo mỗi ngày.  
Và, một khi sống lòng thương xót trong đời sống mình, chúng ta đang sống tình hiệp thông và hiệp nhất trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Điều mà Thánh Phaolô đã nhắn gởi giáo đoàn Côrintô cũng như cho chúng ta ngày nay“Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên MỘT THÂN THỂ. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:12-13)

Sống hiệp thông là ơn gọi chung đối với mọi người, không trừ ai, đồng thời cũng là một ân sủng. Vì thế, Thánh Phaolô đã xác định: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:9)

Và, theo lời mời gọi của Đức Phanxicô, chúng ta đang hướng tới xây dựng một Giáo hội HIỆP HÀNH: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Nghĩa là một Giáo hội cùng nhau cất bước hành trình, trong đó tất cả các thành phần Dân Chúa được mời gọi cùng nhau xây dựng và sống sự hiệp thông trong đức ái, cùng nhau tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt đời sống Giáo hội, và cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho toàn thề nhân loại. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nhận biết, tin và đi theo Chúa Giêsu để được hưởng hồng ân cứu độ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy, tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau tiến bước trên con đường theo Chúa Giêsu, và cũng là con đường dẫn cuộc sống đời đời nơi Thiên Quốc.

Chúng ta đang cùng nhau tiến về cuộc sống đời đời ngang qua đời sống thánh hiến. Mỗi người hãy dành ít phút để xét xem có ai trong cộng đoàn mình đang bị loại trừ, đang bị vứt bỏ vì không có khả năng, vì hết sức lao động và trở nên gánh nặng cho cộng đoàn? Và có ai đó không muốn chung tay, hợp tác, lợp lực với bất cứ người khác...Thêm nữa, có ai đang loại trừ người chị em minh vì họ không đồng thuận, vì dám có ý kiến trái chiều, vì không hợp với người này người kia; hoặc có ai tự loại trừ mình vì không muốn cùng nhau tiến bước, vì thấy mình cao hơn chị em (cao hơn về bằng cấp, địa vị, sự giàu có, khôn ngoan…) và muốn mình phải ở một đẳng cấp riêng biệt, muốn mình được sự ưu đãi, trọng vọng hơn chị em...,

Có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó hợp tác, không muốn cùng nhau tiến bước đó là: “Dửng dưng” và “ Trốn tránh”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta những ẩn nấp tinh vi để ngụy biện cho thái độ dửng dưng: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho, hoặc nghĩ rằng không ai cần các con. Mỗi người trong các con hãy tự nhủ trong lòng: nhiều người cần tôi.”. “Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp”. Chính suy nghĩ này làm cho chúng ta có thể lẩn trốn con tim “chạnh lòng thương” của mình. Bởi thế, để có thể “chạnh lòng thương”, người Kitô hữu cần có khả năng biết mình và biết Chúa để không lẩn trốn, nhưng sẵn sàng cộng tác với ân sủng để con tim “chạnh lòng thương” không ngưng nghỉ nhưng luôn sẵn sàng cho mọi người.
[2]

Tôi đang sống tâm tình nào trong đời sống chung: Yêu thương, hiệp thông, tham gia để làm chứng cho lòng Chúa thương xót hay đang sống ngược lại “ dửng dưng và trốn tránh”? Đối với bản thân, tôi đang được mời gọi cần phải hoán cải đều gì ?

Lời nguyện kết:

Lạy Cha là Thiên Chúa của con, bây giờ con mới hiểu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho họ”. Thì ra sự công bằng vô bờ bến của Cha không cho phép Cha làm một cái gì đơn giản hơn để cứu chuộc nhân loại. Lúc này con mới hiểu tình Cha yêu thương nhân loại, trong đó có con, như thế nào! Xin cho con biết sống xứng đáng với tình yêu ấy! Cho con biết đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy bằng trọn tình yêu đơn hèn của con. Đồng thời cũng cho con biết thể hiện tình yêu trong cuộc sống hằng ngày bằng cách yêu thương, phục vụ mọi người và hiệp nhất với nhau để xây dựng cộng đoàn con đang sống thành gia đình Hiệp nhất, Hiệp thông và cùng nhau tham gia sứ mạng của Hội thánh cách tích cực hơn. Xin cũng giúp con tránh xa thái độ vô cảm đến dửng dưng và trốn tránh để con có thể là người biết “chạnh lòng thương” trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Amen

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Ngước mắt nhìn Ngài, tình yêu đóng đinh trên thập giá, con tin thác nơi Ngài, xin Ngài mau đến cứu con”(YLS)
  • Mở lòng để cảm thông với những lầm lỗi, thiếu sót của chị em.


[1] (x. ý  Bài hát Không Ai là Một Hòn Đảo- Kitô hữu)
[2]  Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay năm 2015.

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây