Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi hành động tha thứ của Đức Giêsu Kitô

Thứ hai - 20/03/2023 21:15 1.167 0
 
Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại
nơi hành động tha thứ của Đức Giêsu  Kitô


LỜI NGUYỆN ĐẦU

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con trong  cuộc sống. Cảm tạ Chúa đã dẫn đưa chúng con vào Mùa Chay thánh; đây là thời khắc thuận lợi để thêm một lần nữa chúng con suy ngắm về tình yêu hy hiến của Chúa nơi thập giá, thêm một lần xác tín về tình yêu Chúa Cha dành cho trong ơn gọi Mến Thánh Giá mà mỗi người đang bước đi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn con đường khổ nạn đau thương, đón nhận cái chết nhục nhã trên Thập Giá và Phục Sinh vinh hiển để cứu độ chúng con. Qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh Chúa mời gọi chúng con đi sâu vào Mầu nhiệm Tình yêu Chúa dành cho Chúa Cha, cho nhân loại và cho riêng mỗi chúng con.  
Xin Chúa giúp chúng con cảm sâu tình Chúa yêu, biết sống quảng đại thứ tha và xót thương nơi đời sống chung để có thể chuyển thông tình yêu của Chúa và sẵn sàng phục vụ lẫn nhau giữa đời thường.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết mở lòng đón nhận nguồn sinh lực mới, mà Chúa đang đợi chờ để thi ân cho chúng con. 


SUY NIỆM:


Đọc đi, đọc lại nhiều lần lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm của Chúa Giêsu trong lúc khốn cùng nhất trên thánh giá, Chúng ta cảm nghiệm được điều gì? Ngài đã không cầu nguyện để xin Chúa Cha, Đấng Công Bình, Chính Trực hãy xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại mình; Không, Đức Giêsu đã không làm như thế, Ngài cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ.
  
Tha thứ là bản chất
của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi ngăn cách, mọi biên giới và vươn dài tới mọi người; Ngài tha thứ cho kẻ thù và cho những người bắt bớ, ngược đãi, chối từ và giết Ngài. Ngay trong khổ đau và nhấn chìm giữa bất công nhất, Chúa vẫn tỏ lòng thương xót và cầu xin sự tha thứ của Cha cho họ “vì họ không biết việc họ làm”. Lời cầu xin mà Chúa Giêsu đã dành cho những kẻ quay lưng lại với Ngài, cho những kẻ thi hành án tử hình Ngài, Ngài gói ghém tất tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha và của cho nhân loại ở lời tha thứ ấy; và là một cách minh chứng hùng hồn nhất về điều Ngài đã dạy là hoàn toàn có thể: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Quả thật, Chúa đã yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi Chúa. Suốt cuộc đời, Chúa đã giảng dạy về tình yêu, sống cho tình yêu và đã chết cho tình yêu. Trên thập giá, Chúa không nói những lời kết án hay có những hành động trả thù; nhưng Chúa bầu chữa cho kẻ có tội, và rộng lòng tha thứ những lầm lỗi cho người tội lỗi ăn năn.

Hướng mắt lên thánh giá Chúa Giêsu, ngắm nhìn Ngài đang gục đầu xuống và lắng nghe Ngài đang nói: “ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”; lời tha thứ từ thánh giá có thấm sâu vào lòng tôi và tôi có cảm nhận Chúa đang cầu nguyện riêng cho tôi không?

Cảm nhận được tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa dành cho tội nhân chính là tôi, là chị...vậy chúng ta hãy cám ơn Chúa đã tha thứ cho mỗi người và mỗi người hãy cầu nguyện xin ơn tha thứ cho ai đó đã làm phiền lòng mình hoặc chính mình đã làm phiền lòng người chị em bên cạnh. Nếu tôi, chị cứ mãi để cho cái tôi kiêu ngạo, tính tự ái làm chủ trong lòng mình thì Chúa Giêsu có trực tiếp đưa tay ôm lấy chúng ta và nói lời tha thứ - có lẽ chúng ta chẳng biết tha thứ cho ai, và có thể cũng chẳng nhận ra bao thiếu sót của mình để mà điều chỉnh, khắc phục...chúng ta vẫn mãi là người không có tự do và vị kỷ?

Chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài mời gọi, thôi thúc mỗi người hoán cải trở về với Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, bằng đời sống yêu thương và tha thứ.
Dù biết rằng tha thứ là món quà quý giá chúng ta tặng cho chính mình, nhưng tha thứ không phải là việc dễ dàng. Xét về mặt tâm lý, tha thứ là cách chúng ta giải tỏa những sự phẫn nộ và tức giận của bản thân. Martin Luther King, Jr., một mục sư đạo Tin Lành (Baptist) và là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi đã từng nói: “Chúng ta phải phát triển và duy trì khả năng tha thứ. Người không có sức mạnh để tha thứ là người không có sức mạnh để yêu. Tha thứ không phải là một hành động nhất thời. Đó là một thái độ mãi mãi”. Tha thứ là cơ hội giúp ta trưởng thành và trau dồi đời sống tình cảm và tâm linh. Tha thứ chính là sự thay đổi từ trái tim và là cách chúng ta nhìn nhận các mối tương giao. Tha thứ là điều quan trọng và rất cần thiết để duy trì sức khỏe thể lý và tâm lý lành mạnh. Tha thứ sẽ giúp ta có một tinh thần siêu thoát hơn, sống tích cực hơn và có thể giúp ta giải tỏa căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
người sống đời thánh hiến, chúng ta để mình bị vướng vào căng thẳng, trầm cảm là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì, người sống đời thánh hiến là người có nhiều cơ hội để giải tỏa căng thẳng và âu lo, trầm cảm vì chúng ta có đời sống tâm linh. Đời sống chúng ta là cuộc đời sống cho Chúa và có Chúa luôn ở cùng, Chúa là cùng đích của đời mình tội gì mình để cho những thứ ngoài Chúa làm chúng ta bận tâm, làm chúng ta phải bị mất thăng bằng trong cuộc sống?

Đặc biệt người nữ tu Mến Thánh Giá, chiêm ngắm mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu mỗi ngày sẽ giúp chúng ta tiến gần Đấng đã hiến mình trên thập giá, Ngài trở thành lời bầu chữa cho kẻ có tội, “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).
Càng chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh càng phải giúp cho tôi thêm thấm thía tình trạng tội lỗi của mình và lòng thương xót của Chúa dành cho tôi, để tôi can đảm mang lấy thương tích của Chúa và sống bao dung và tha thứ hơn nữa trong những chuyện nhỏ thường ngày. Và, đây cũng là tâm tình của Đức cha Lambert, lúc này ngài mời gọi chúng ta: “Tôi quay về dưới chân Chúa Giêsu, để nài xin lòng thương xót vô biên của Người ban cho tôi được thông dự vào những đau khổ của Người, xứng với bậc sống của mình…”(Thư gởi ông Duplessis, AMEP, T.121, tr.557).

LỜI NGUYỆN KẾT

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chiêm ngắm về tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con, chúng con thật hổ thẹn biết bao về thái độ sống của chính mình. Mặc dầu chúng con cảm nhận Chúa luôn thương xót tha thứ mọi tội lỗi cho chúng con; nhưng chúng con khó lòng hoặc chưa thể tha thứ cho anh chị em mình. Tất cả chỉ vì chúng con chưa thật sự yêu mến Chúa và cái tôi của chúng con còn quá lớn. Xin Chúa thương biến đổi trái tim khô cằn sỏi đá của chúng con và xin giúp chúng con sống yêu thương và tha thứ như chính Chúa đã tha thứ và chỉ dạy cho chúng con. Xin cho chúng con biết liên kết mật thiết với Chúa; để nhờ đó, chúng con can đảm gọt bỏ cái tôi mỗi ngày, mở lòng yêu thương mọi người, và thể hiện lòng thương xót của Chúa với những người mà chúng con gặp gỡ tiếp xúc, nhất là đối với chị em mà chúng con đang sống cùng và sống với. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây