Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần VI

Thứ tư - 20/03/2024 09:10 201 0

Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần VI

Yêu thương, hiệp thông, tham gia để bước đi với Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn.

Lời Chúa: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến” (Mc11- 10)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin tôn thờ Chúa ngay từ sớm mai này. Cám ơn, ngợi khen Chúa đã cho chúng con thời gian ân phúc trong suốt phụng vụ Mùa Chay đã qua,
Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Chúa đã cùng với chúng con đi qua 40 ngày Chay Thánh, mỗi người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng ơn thánh từ Thánh lễ, bí tích Hòa giải, các việc đạo đức, việc bổn phận và những hy sinh nhỏ bé hằng ngày …Những việc thiêng liêng cũng như thể chất đã giúp chúng con cảm nhận tình yêu lớn lao Chúa dành cho mỗi chúng con trong suốt hành trình cuộc sống.Và đây chính là động lực đưa chúng con bước theo Chúa gần hơn trong những ngày Tuần Thánh: Tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó, ghi nhớ bữa Tiệc Thánh Thể mà Chúa đã thiết lập bằng Mình và Máu Chúa rồi đến cử hành đêm canh thức Vượt Qua…Chúa đã chấp nhận mục nát, chết đi để đem lại cho nhân loại sự sống mới, sự sống muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, người đời đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, để rồi kết án Chúa ngay trong thành thánh. Chúa đã tự hiến mạng sống mình cách tự do và mời gọi chúng con thực hiện tương tự như Chúa. Xin cho chúng con biết suy ngẫm về thập giá đời mình và hiểu rằng Chúa dùng những trái ý, cực lòng, khổ đau trong phận người để chúng con trở nên tốt hơn, những điều này sẽ mang lại cho con sự phong phú nhờ lòng thương xót của Chúa qua sự tự do ôm lấy thánh giá với lòng tin yêu, phó thác, sẵn sàng hy sinh. Lạy Chúa, mầu nhiệm Khổ Nạn còn biết bao điều kỳ diệu, mà con chưa thể khám phá và hiểu thấu đáo. Xin cho chúng con đừng bao giờ thỏa hiệp với thế gian, nhưng cho chúng con can đảm theo Chúa mọi ngày trong đời sống mình. Xin đừng để con theo Chúa khi Chúa làm phép lạ, khi Chúa biến hình nhưng theo Chúa mọi ngày trong cuộc sống dù khi hạnh phúc, lúc khổ đau hay muộn phiền tất cả cho tình yêu để đáng được chết đi với Chúa và sống lại với Ngài trong đêm Phục Sinh khải hoàn.

Suy niệm:

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến” (Mc 11,10). Đây là lời đón tiếp nồng nhiệt vang vọng giữa đoàn người đón chào khi Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Qua lời chúc tụng này chúng ta thấy dân Israel đã đặt tất cả niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa của mình, cũng như qua bao năm tháng hy vọng vào Đấng Messia, thì giờ đây niềm hy vọng của họ đã đạt đến đích điểm. Chính vì lý do này mà dân chúng lại càng hô to: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa ngự đến”. 

Đức Giêsu là Đấng Messia, là Vua dân Israel. Nhưng phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay không dừng lại ở việc Chúa tiến vào Giêrusalem giữa rừng người hân hoan chúc tụng với nghành lá trên tay, trải áo lót đường. Bởi vì sau đó là bức màn thương khó được mở ra, qua đó đưa chúng ta đến mầu nhiệm cứu độ mà Chúa thực hiện bằng sự khổ đau và cái chết ê chề của Người trên thập giá. 

Lời của tiên tri Isaia mô tả hình ảnh của người tôi tớ Thiên Chúa: Đó là người tôi tớ thi hành thánh ý của Thiên Chúa, người tôi tớ đành chấp nhận để mọi người chê cười, phỉ nhổ, đánh đập, bỏ rơi.“Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn....Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”( Is 50, 4-9a).

Lời của Thánh vịnh 21 cho chúng ta nhận thấy tâm tình của người công chính bị bách hại. Người công chính bị mỉa mai sỉ nhục nhưng họ chỉ biết trông cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi.“Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ ruồng bỏ con sao” (Tv 21,2). Và trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Philiphê còn cho chúng ta biết thêm về con đường cứu độ của Chúa Giêsu. Mặc dù là Thiên Chúa nhưng Người đã tự hạ đến tột cùng, bằng việc “Không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toán trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại con hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8). Cuối cùng là bài Thương khó mà thánh sử Máccô đã cho chúng ta chứng kiến cảnh cuối cùng công trình cứu độ của Chúa Cha, qua sự thương khó và cái chết đem ơn cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá. 

Chúng ta thử hỏi vì sao mà Chúa Giêsu là người tôi tớ, người công chính và là Thiên Chúa, phải đành chấp nhận bản án trên thập giá? Thưa là vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta mà Người đã từ trời xuống thế để chọn lấy con đường đau khổ hy sinh giao hòa con người với Chúa Cha, để lôi kéo muôn người dưới mặt đất được hưởng phúc thiên đàng. Như vậy con đường hạ mình tột cùng của Chúa Giêsu sẽ là con đường để Đức Giêsu được Chúa Cha tôn vinh và được đặt làm Chúa và làm Vua toàn thể nhân loại. Con đường tự hạ của Chúa Giêsu là con đường để con người được Chúa Cha ban ơn tha thứ, ơn giao hòa và cho hưởng sự sống vĩnh cửu trong nước trời. 

Nhờ sự hy sinh của Chúa Giêsu, Ngài đã cho nhân loại biết chìa khóa để mở cánh cửa nước Trời đó là: sự tự hạ để vâng phục, đón nhận đau khổ và hy sinh. Như vậy, chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu tiến vào thành Giêruselem bằng sự vâng phục và tuân giữ Lời Chúa cách triệt để, cũng như bằng thái độ khiêm tốn trong lời nói, suy nghĩ và hành động. Đặc biệt là sự hy sinh từ bỏ con đường tội lỗi và đón lấy mọi khổ đau hồn xác của bản thân cũng như của anh chị em trong sự kết hợp với hy tế cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Là người tôi tớ đau khổ Đức Giêsu gánh lấy mọi khổ đau của con người, ngõ hầu tất cả mọi người sẽ được cứu chuộc nhờ máu Người đổ ra trên thập giá. 

Bước theo Đức Giêsu là cùng đi trên một con đường với Ngài: con đường Giêsu, “ Ngài là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Cùng đi trên con đường Giêsu là con đường “nên một” với Thiên Chúa và với anh em mình, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho nhau như Đức Giêsu đã khẳng định. Khi gắn bó thiết thân với Đức Giêsu, người Kitô hữu, người sống đời thánh hiến được “nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi” và kết quả là họ sinh nhiều hoa trái, và một khi đã nên một với Thiên Chúa, họ cũng sẽ “nên một” với nhau, và kết quả là Thiên Chúa được yêu mến, tôn thờ khi mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, và nhận ra nhau là môn đệ của Ngài, vì họ có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13,35)

Bước đi cùng nhau trên đường Giêsu là sống tinh thần Hiệp Hành. Tính hiệp hành trong đời sống của người nữ tu Mến Thánh Giá là “cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” (Hc, đ.31), bước đi cùng nhau và với nhau để phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với thánh giá Con Thiên Chúa. Linh đạo này tập trung vào Mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm của đời sống được thể hiện qua ba chiều kích : Chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Chiêm niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô trên thập giá là đi vào mối tương quan hiệp thông mật thiết với Người, khao khát đồng hóa với Người trong Mầu nhiệm khổ nạn. Sống khổ chế là thông phần, tham dự vào cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô ; tháp nhập hoàn toàn đời mình vào tình yêu của Đấng chịu đóng đinh, làm cho Mầu nhiệm khổ nạn trở nên hiện thực và hữu hiệu nơi cuộc đời mình. Thực hiện việc tông đồ là bày tỏ cảm thức thuộc về Giáo hội- tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội để Giáo hội được “tái sinh”. Một Giáo hội kết nối tương quan, một Giáo hội không loại trừ, một Giáo hội không ngừng chuyển động ; là biểu lộ thuộc về Đức Kitô, gắn liền với sứ mạng cứu thế của Người. Như vậy, “ cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá” bao hàm ý nghĩa sâu sắc của lối sống hiệp hành : Hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Lối sống ấy dựa trên nền tảng là tình yêu dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh- động lực gắn kết ba chiều kích : Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ.

Chúng ta hãy ý thức rằng: Con đường thập giá là con đường đau khổ: đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy dùng tuần lễ này để sống với Người, suy niệm cuộc thương khó của Người và theo gương Người đi vào con đường Ngài đã đi: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đồng thời chúng ta hãy vui vẻ đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày với mục đích thông hiệp vào sự thương khó của Chúa Giêsu để mang ơn cứu rỗi cho chính chúng ta và cho nhiều người khác.
Hiệp thông với hy tế thập giá của Chúa bằng cách dâng những đau khổ thể xác và tinh thần cho Chúa, hiệp thông với đau khổ của Chúa, để cầu nguyện cho Hội Thánh và những ai chúng ta muốn cầu nguyện cho họ: “Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống Chúa Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người, và như vậy chúng có giá trị mới. Hy tế của Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho mọi thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ tế của Người” (SGLHTCG 1368).

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con được mời gọi cùng nhau suy ngẫm về sự tương phản cảm xúc từ sự kiện Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem đến Vườn dầu và Núi Sọ. Suy ngẫm về nỗi sợ hãi, bối rối, cô đơn và tuyệt vọng mà chúng con cảm nhận khi nhìn thấy Chúa nơi Vườn Giệtsimani và trên Thánh Giá. Chúa đã tự hiến mạng sống mình một cách tự do, can đảm với lòng yêu mến, tuân phục của người con thảo hiếu. Nơi biến cố, sự kiện này, Chúa mời gọi chúng con những người sống linh đạo Mến thánh Giá cũng hãy làm điều tương tự. Xin cho chúng con trong Tuần Thánh khao khát sống mật thiết với Chúa trong thinh lặng nguyện cầu, cùng với hy sinh, khổ chế để đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân cho Chúa cách trọn vẹn, dứt khoát và trung kiên. Chúa đã hy sinh vì tình yêu vâng phục, đã từng cảm thấy hoảng sợ trước chén đắng Cha trao, nhưng với tình yêu dành cho Cha và nhân loại Chúa đã thân thưa:“ Lạy cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc22,42). Xin cho chúng con bước gần Chúa hơn bằng thái độ đón nhận tất cả mọi biến cố trong đời với lời “xin vâng”. Và,
Xin cho mỗi chị em chúng con thấm nhuần tinh thần sống của Đấng sáng lập dòng bằng phương thế thực tiễn là kết hợp hy sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế, và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện. Đời sống người tông đồ phải là một cuộc chết đi liên lỉ”[1] thực hiện tinh thần này cùng với nhau chúng con mới có thể theo Chúa cách vui tươi và quảng đại để thưa lời “xin vâng” trong sứ vụ của chúng con mỗi ngày. Amen

 

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Vì yêu con Ngài đã chết cho con được sống, tình yêu đó, con vẫn nhớ, nhớ mãi trong lòng” (YLS)
  • Giữ tâm hồn thinh lặng để kết hiệp mật thiết với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
--------
[1] T.sử, số 31, tr. 57
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây