Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn còn các vết đinh nơi thân thể mình

Thứ hai - 18/04/2022 19:25 574 0
 Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn còn các vết đinh nơi thân thể mình
 


Lời nguyện mở đầu:
  
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,Chúa đã chịu chết khổ hình trên cây thánh giá và đã sống lại vinh quang để cứu độ chúng con, Chúa còn ở lại với chúng con rất gần gũi trong Bí Tích Thánh Thể, chúng con chúc tụng, thờ lạy, cảm tạ Chúa. Xin Chúa đón nhận tâm tình thờ kính và yêu mến, khát khao thuộc về Chúa mà chúng con muốn dành cho Chúa trong giờ phút này.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi đời sống và hoạt động của Giáo hội. Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức, bác ái, yêu thương, hy sinh quên mình nhằm xây dựng một thế giới huynh đệ, hạnh phúc của mọi thành phần dân Chúa trên khắp thế giới. Xin cho mỗi chúng con biết nhận ra Người đang sống giữa cuộc sống này để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người ngang qua sứ vụ của mỗi chúng con.

Xin cho những con người đang sống trong sự ích kỷ, kiêu căng, muốn đứng trên đầu trên cổ người khác được ơn soi sáng để cảnh tỉnh lương tâm và sớm được phục hồi trong đức ái...Xin vì lòng thương xót Chúa mở lối cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết hướng lòng mình về sự sống vĩnh cửu, biết vì con người mà lo cho dân nước được bình an, thịnh vượng; cách riêng cho cuộc chiến giữa Nga và  Ukraine sớm kết thúc để người dân không phải chịu cảnh tang thương chết chóc… Xin Thánh Thần Chúa đổi mới bộ mặt địa cầu, canh tân lòng trí chúng con để mỗi người biết góp phần nhỏ bé của mình trong cuộc sống, nhờ đó con người luôn được sống trong niềm vui và hy vọng dù vẫn còn đó những khó khăn thử thách… Xin Chúa biến đổi chúng con thành những con người mới trong ơn thánh của niềm vui Phục Sinh.

SUY NỆM :
   
Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ nhiều lần nhưng không phải tất cả các ông đều mau mắn chấp nhận ngay. Nỗi ám ảnh về cuộc thương khó của Đức Giêsu khiến các ông vẫn còn sợ hãi, ở trong nhà đóng kín cửa.

Đức Giêsu nhiều lần nói về cuộc thương khó và sự Phục Sinh của Ngài nhưng nỗi đau thương và sự kinh hoàng của đường lên Canvê khiến các ông khó tin vào lời tiên báo ấy.
   
Trong lúc tâm trạng các môn đệ còn rối bời, lòng trí trống vắng, bầu khí sợ hãi lấp đầy mọi ngõ ngách cuộc sống, thì Đức Giêsu hiện đến giữa các ông, cho các ông lời an ủi: “ Đừng sợ”,“Chúc anh em được bình an!” 
  
Nỗi buồn phiền, đau khổ, thất vọng vì cái chết của Đức Kitô khiến Tôma không thể tin ngay lời các Tông đồ bạn kể về Đấng Phục Sinh, Ông đòi kiểm chứng. Chúng ta không thể trách Tôma vì ông cứng lòng tin,
 
Đức Giêsu đã hiện ra
cho ông xem tay và cạnh sườn:“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.”. Cho Tôma xem tay và cạnh sườn đồng nghĩa với việc Chúa nhắc nhở ông về đau thương kinh hoàng của Thánh Giá.

Chúng ta cám ơn Thánh Tôma về sự kiện này, sự kiện thánh nhân được Đấng Phục Sinh đáp ứng đòi hỏi và giải tỏa nghi ngờ của ngài. Sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh được thánh Tôma kiểm chứng đã trở nên câu trả lời cho niềm tin của con người hôm nay. Nhìn thấy dấu chứng của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục Sinh, thánh Tôma cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 19-31).
  
Chúa Giêsu sống lại, nhưng Chúa chỉ sống lại khải hoàn sau khi đã kinh qua đau khổ của đường Thánh Giá.
  
Sự Phục Sinh dù vinh hiển và khải hoàn đến đâu, vẫn không thể xóa nhòa bất cứ một dấu ấn nào của khổ đau trên thân thể của Ngài.Từ Thánh Giá, bừng lên ánh sáng chói ngời của ơn Phục Sinh. Đấng đã ngang qua Thánh Giá đến Phục Sinh vẫn khắc sâu dấu  đinh nơi thân thể mình dù đã sống lại.
 
Thánh Giá Chúa Giêsu đã mang lại cho đau khổ, thử thách của đời người Kitô hữu tràn trề niềm hy vọng.
  
Theo Tin Mừng Gioan, việc Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và con tim bị đâm thủng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về cái chết thể lý của thân xác của một con người. Đối với các Tông Đồ và cả chúng ta hôm nay, dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn của Đức Kitô nói lên sự tự hiến vì yêu thương và diễn tả tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
   
Được mời gọi nhìn ngắm, chạm vào vết thương, các dấu đinh trên thân thể Chúa Phục Sinh chúng ta được nhắc nhở về những thất bại, đau khổ, mệt mỏi, bệnh tật, chết chóc trong đời tất yếu phải có dù người đó ở địa vị, bậc sống nào. Mỗi người dù ở đâu, mang màu da, sắc áo nào đều có Thánh Gía của riêng mình.
  
Cho thánh Tôma xem những vết đinh nơi thân thể của mình sau khi Phục Sinh,Chúa Giêsu muốn mỗi người hãy sẵn sàng mang lấy thánh giá đời mình trong tin yêu hy vọng. Vì, nếu chúng ta mang thánh giá trong bực dọc, phàn nàn …nó sẽ trở nên nặng nề, thất vọng. Không có con đường nào khác để đến Thiêng đàng nếu không đi đường Thánh Giá. Nếu muốn được hưởng trọn niềm vui Phục Sinh không thể lẫn tránh, chạy trốn đau khổ, bỏ ngang con đường Canvê loang máu. “Đau khổ không những giúp con can đảm, nhẫn nại, nhưng còn có giá trị cứu chuộc rất lớn lao, nếu con hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu”.( ĐHV. 706)
 

Thánh Giá quả là đau khổ, buồn phiền khó chấp nhận nhưng nếu mỗi người có chút tình yêu dành cho Chúa Giêsu như bà Maria Madalena, ông Tôma, Phêrô, Gioan…có lẽ mình sẽ bớt sợ hãi hay phẫn uất với thánh giá.
  
Chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá trong Mùa Phục Sinh còn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Chúa trước mọi thử thách chông gai, khổ đau… Không được ủ rũ buồn phiền ,thất vọng nhất là trong hiện tại, nhân loại dường như trang trãi qua cuộc thương khó bởi dịch bệnh, chết chóc, đói khổ, chiến tranh …Chúa chúng ta đã chấp nhận chết và chết trên Thánh Giá. Đó là tiếng nói cuối cùng vô giá của tình yêu. “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13)... Vui nhận khổ đau, thập giá là chuẩn bị cho ngày hội ngộ với Đức Giêsu bằng việc sống những điều Ngài dạy. Hãy khước từ mọi sự bất chính, thêm niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu và trung thành đi trên chính con đường của Ngài để được sự sống đời đời.
  
Nhìn ngắm, đụng chạm vào vết thương trên thân thể Chúa Phục Sinh, Chúa Giêsu muốn chúng ta những nữ tu Mến Thánh Gía sống xứng đáng với ơn gọi cao quý mà Chúa đã chọn gọi. Nỗ lực sống tích cực mầu nhiệm Thập Gía trong đời, chúng ta sẽ là nguồn an ủi cho dân Chúa đang phải đối đầu với khổ đau vì chiến tranh khiến cuộc sống thêm khó khăn, cuộc sống bấp bênh hay trong những khổ đau tất yếu của đời người.

   
Sống mầu nhiệm Thập Gía trong đời mình, người nữ tu mến Thánh Gía cùng với Đức Giêsu tiếp tục hoàn thành sứ mạng cứu độ của Người trên trần gian. Sống mầu nhiệm Thập Giá trong đời mình, người nữ tu mến Thánh Giá giới thiệu cho con người trong mọi thời về niềm hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc đích thực nơi mà  Chúa ra đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

 Lời nguyện kết:

    
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chị em chúng con vừa suy niệm, chiêm ngắm bài học thiêng liêng mà Chúa dạy chúng con từ cuộc khổ nạn. Đau khổ của Chúa vẫn còn im đậm trên thân thể Chúa dù Chúa đã vinh quang Phục Sinh. Nhìn ngắm dấu vết đau thương của Chúa, chúng con học được nhiều bài học thân thương và biết phải làm gì trước  những đau khổ, trái ý, hiểu lầm…hằng ngày.
   
Lạy Chúa Giêsu, con đường Thập Gía luôn chật hẹp và bị mọi người chối từ. Xin cho chúng con Ân sủng để kiên trung bước theo trên con đường Chúa đã đi. Chúng con hiểu rằng: “tôi tớ không trọng hơn chủ”, xin cho chúng con dám bước theo Chúa từng ngày để dù khi bị cám dỗ buông bỏ thánh giá, chối từ, phẩn uất trước đau khổ, thử thách biết nhìn lên ánh mắt yêu thương của Chúa mà tiếp tục bước đi. Xin cho chúng con tình yêu và sức mạnh để khi những cảm giác nỗi loạn, tìm cách trốn chạy khi thánh giá xuất hiện, chúng con được Chúa cho nhìn thấy dấu đinh nơi thân thể phục sinh của Chúa mà quảng đại, can đảm đưa vai vác lấy cùng bước đi trong tin yêu, tín thác. Xin cho chúng con kết hợp thâm sâu với Chúa trong cầu nguyện, để trong thinh lặng của cõi lòng, chúng con nghe được tiếng Chúa và cảm nghiệm sâu sắc như thánh Phaolô“. "Ơn của Thầy đã đủ cho anh. Vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuôi, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt để vác thánh giá đời mình trong tình yêu và niềm vui. Amen


 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

 Tags: Suy niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây